Phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm cho lao động nông thôn
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 125 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 85 làng nghề truyền thống và 40 làng nghề mới, tạo việc làm cho gần 60.000 lao động.
Trong đó, nhóm làng nghề dệt chiếu tập trung chủ yếu tại các huyện: Nga Sơn, Quảng Xương, Nông Cống. Nhóm làng nghề mây tre đan tập trung tại các huyện: Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Nông Cống. Nhóm làng nghề mộc tập trung chủ yếu tại các huyện: Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Cẩm Thủy. Nhóm làng nghề chế biến thuỷ hải sản tập trung chủ yếu tại: huyện Hoằng Hóa, thành phố Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn. Nhóm làng nghề rèn, đúc đồng tập trung tại huyện Hậu Lộc và Thiệu Hóa. Làng nghề chế biến bánh, nem giò chả, tập trung chủ yếu tại thành phố Thanh Hóa. Thu nhập của lao động tại các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trung bình từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Lao động tham gia làm tại các làng nghề, làng nghề truyền thống có nhiều thuận lợi, thời gian làm không bị gò bó, có thể tận dụng thời gian nông nhàn hoặc tranh thủ làm cùng các công việc khác, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ khôi phục, bảo tồn và công nhận mới thêm 5 nghề và 5 làng nghề, làng nghề truyền thống, có ít nhất 50% cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm OCOP.