Phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn

Phát triển tiểu thủ công nghiệp đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Tại tỉnh Thanh Hóa, nhiều ngành nghề truyền thống được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tính đến hết năm 2023, Thanh Hóa có 116 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận, tổng doanh thu của các làng nghề đạt gần 1.400 tỷ đồng. Trong đó, nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có doanh thu lớn nhất, đạt 625 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động. Toàn tỉnh có 18 sản phẩm OCOP thuộc các nghề, làng nghề truyền thống.

Để duy trì và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành một số chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; hỗ trợ mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; hỗ trợ đầu tư hệ thống thu gom xử lý rác thải, nước sản xuất tập trung tại các làng nghề… Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, sẽ khôi phục, bảo tồn và công nhận mới 5 nghề và 5 làng nghề, làng nghề truyền thống; phát triển 5 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch; Có ít nhất 50% cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm OCOP.

Nguồn: Bản tin Nông nghiệp nông thôn ngày 17/1/2024