Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11

Ngày 24/11, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023; và nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, các Uỷ viên UBND tỉnh và lãnh đạo các ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, các thành viên UBND tỉnh cho rằng: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2022 của tỉnh được thực hiện trong bối cảnh có nhiều biến động phức tạp, khó lường, khó khăn hơn so với dự báo tại thời điểm xây dựng kế hoạch. Dịch Covid -19 tăng nhanh và duy trì ở mức cao trong những tháng đầu năm và trên địa bàn hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa đạt kết quả rất tích cực trên các lĩnh vực. Dịch Covid - 19 được kiểm soát tốt, tỷ lệ số ca mắc Covid -19 và tử vong do Covid - 19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ổn định và đạt kết quả khá toàn diện. So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 16%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 26,5%; tổng lượng khách du lịch gấp 3,2 lần, tổng thu du lịch gấp 4 lần; thu ngân sách Nhà nước vượt 65% dự toán và tăng 20%. Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội - giáo dục tiếp tục được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11 - Ảnh 2.

Các thành viên UBND tỉnh cũng đã phân tích, chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, như: Tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt một số quy hoạch còn chậm; Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm chưa đảm bảo yêu cầu; vẫn còn nhiều nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp, một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10%; Kết quả giải phóng mặt bằng đạt rất thấp so với kế hoạch, nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài trong giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết. Ngoài nguyên nhân khách quan, còn có những nguyên nhân chủ quan, như: Phương pháp quản lý, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ ở một số ngành, địa phương còn chậm được đổi mới, có mặt chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; có tình trạng trì trệ, chủ quan, lơ là, đùn đẩy trách nhiệm trước những vấn đề khó, những vấn đề mới phát sinh. Một số chủ đầu tư còn thiếu quyết liệt, tinh thần trách nhiệm chưa cao trong công tác đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Một số ngành, địa phương chưa quan tâm, sâu sát đối với nhiệm vụ quy hoạch. Một số nhà đầu tư trách nhiệm chưa cao, chưa tập trung thi công xây dựng dự án theo tiến độ đăng ký.

Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11 - Ảnh 3.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn ghi nhận sự nỗ lực của các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời nhấn mạnh: năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt kế hoạch đề ra, trong đó có những chỉ tiêu vượt so với kế hoạch. Nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và giải quyết có hiệu quả. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh cũng phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế; và yêu cầu các ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan phải thẳng thắn nhìn nhận, sớm đưa ra các giải pháp khắc phục.

Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11 - Ảnh 4.

Về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: các thách thức tác động tới tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa vẫn rất lớn với nhiều yếu tố khó dự báo hơn; khó khăn phải đối mặt còn nhiều và khó lường hơn. Do vậy, nhiệm vụ của các ngành, các địa phương sẽ nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt hơn trong việc triển khai, tổ chức thực hiện.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại phiên họp

Về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: năm 2023 sẽ thực hiện nghiêm việc điều chuyển, sắp xếp lại hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền điều chuyển, sắp xếp lại đối với cán bộ công chức năng lực yếu, hoặc vi phạm đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương; nhất là người đứng đầu địa phương, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, mục tiêu, chỉ tiêu được giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng cho ý kiến vào một số chỉ tiêu và giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2023.

Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11 - Ảnh 6.

Trong chương trình phiên họp, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên UBND tỉnh đã thảo luận, cho ý kiến đối với một số chính sách hỗ trợ công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy; các báo cáo thu, chi ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương; kế hoạch đầu tư công năm 2023 và đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025; kế hoạch biên chế công chức hành chính và số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp năm 2023; và một số nội dung khác.

Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11 - Ảnh 7.

Nguồn: Thời sự tối 24/11/2022