Phương án đón học sinh Hà Nội trở lại trường học

14:37 - 21/10/2021

Về việc tổ chức dạy học cho học sinh trong bối cảnh "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", UBND thành phố Hà Nội giao Sở GDĐT chủ trì cùng các cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kịp thời các hoạt động giáo dục tương ứng cấp độ dịch tại các địa bàn.

 

Học sinh Hà Nội tận hưởng niềm vui được đến trường học tập. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.
Học sinh Hà Nội tận hưởng niềm vui được đến trường học tập. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Triển khai hoạt động giáo dục tương ứng cấp độ dịch tại các địa bàn

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành công điện về việc triển khai các biện pháp tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, căn cứ tình hình thực tiễn và diễn biến dịch bệnh, độ bao phủ vaccine và điều kiện thực tế (mật độ dân cư, điều kiện kinh tế - xã hội...), khả năng ứng phó để tham mưu Ban Chỉ đạo thành phố phòng, chống dịch, UBND thành phố báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Chính phủ xem xét, cho phép điều chỉnh các tiêu chí, cấp độ dịch cho phù hợp, bảo đảm quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ trong tháng 10.2021.

Bên cạnh đó, duy trì công tác xét nghiệm tầm soát các đối tượng, khu vực có nguy cơ cao theo chỉ định của ngành. Đồng thời, ban hành hướng dẫn thực hiện các biện pháp y tế đối với người nhập cảnh, người từ các tỉnh, thành phố có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao vào thành phố.

UBND thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng các cơ quan liên quan và các địa phương tham khảo ý kiến của đại diện ban phụ huynh học sinh để khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kịp thời các hoạt động giáo dục tương ứng cấp độ dịch tại các địa bàn, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo quy định.

Trường học đã sẵn sàng, chỉ đợi lệnh mở cửa

Dù chưa có thông báo chính thức về thời gian đón học sinh trở lại trường, ngay từ đầu tháng 10, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, y tế, sẵn sàng đón học sinh trở lại lớp học. Đa số các trường đều khẳng định, trường học đã sẵn sàng, chỉ chờ lệnh mở cửa. 

"Nhà trường đã tiến hành bảo dưỡng trang thiết bị, vệ sinh chăn chiếu. Tuần nào giáo viên cũng tham gia tổng vệ sinh khuôn viên trường và mỗi ngày đều có lao công thay phiên nhau đi quét dọn các lớp học”- bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường TH Tây Sơn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thông tin.

Tương tự tại Trường THCS Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), bà Trương Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết ngay từ đầu năm học, dù học sinh chưa được tới lớp, nhà trường vẫn chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, y tế,

"Phòng học đã được vệ sinh, lau dọn sạch sẽ và tiến hành khử khuẩn. Khi nào có lệnh của TP cho học sinh đến trường là chúng tôi sẽ khử khuẩn thêm 1 lần cuối là có thể an tâm đón các con” – bà Hiền bày tỏ.

Hiệu trưởng 1 trường Tiểu học trên địa bàn Hà Nội cho rằng, Hà Nội nên quyết liệt hơn trong việc cho học sinh tới lớp. Vì hiện nay, sau nhiều tháng dạy, học trực tuyến, sức khỏe thể chất, tinh thần và kĩ năng giao tiếp của học sinh bị ảnh hưởng rất nặng nề. Đặc biệt là với độ tuổi tiểu học và mầm non.

"Nếu đã xác định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thì cần mở cửa trường học. Dịch đến đâu, khoanh vùng, xử lí đến đấy thay vì đóng cửa toàn bộ trường học như hiện nay"- vị Hiệu trưởng bày tỏ quan điểm.

Nhiều phụ huynh tại các khu vực ngoại thành, nhiều tháng nay chưa có ca nhiễm mới cũng tha thiết mong con được đến trường, để bố mẹ có thể yên tâm đi làm, sớm quay trở lại trạng thái "bình thường mới".

"Sáng nào ngủ dậy con cũng hỏi mẹ ơi bao giờ được đi học. Tôi cũng chỉ biết nịnh con cố học tốt rồi cô cho đến trường. Nhìn con cả ngày ngồi bên máy tính thực sự rất xót xa" - chị Nguyễn Thị Hương (Đông Anh, Hà Nội) bày tỏ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trước đó đã ban hành công văn hướng dẫn tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Theo đó:

Các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình): tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp; với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch.

TƯỜNG VÂN/BÁO LAO ĐỘNG