Quá tải các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự giao thông

20:02 - 16/03/2024

Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: nếu phương tiện bị tạm giữ do vi phạm trật tự giao thông quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt nhưng chủ xe không đến xử lý thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định tịch thu, bán đấu giá sung công quỹ nhà nước. Tuy nhiên, để thanh lý được những phương tiện này lại rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, nhiều phương tiện "vô thừa nhận" vẫn tồn kho từ năm này qua năm khác, khiến cho nhiều bãi tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự giao thông luôn trong tình trạng quá tải.

Bãi tạm giữ phương tiện này của Công an huyện Yên Định được phóng viên ghi hình năm 2022. Đến nay, sau 2 năm, bãi xe này không giảm bớt đi phương tiện nào, mà còn tăng thêm vài chục xe….

Quá tải các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự giao thông- Ảnh 1.

Tương tự, mặc dù năm 2022, Công an huyện Thiệu Hóa đã thực hiện thanh lý thành công gần 100 phương tiện quá hạn tạm giữ nhưng thời điểm này bãi tạm giữ xe của huyện vẫn còn hơn 100 phương tiện chủ xe không đến thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhận lại xe.

Quá tải các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự giao thông- Ảnh 2.

Đại úy Lê Hữu Thuận, Phó Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. cho biết: "Năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông công an huyện đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trên 1.000 trường hợp trong đó tạm giữ hơn 445 trường hợp. Hiện nay vẫn còn trên 100 trường hợp chưa đến xử phạt".

Qua thống kê sơ bộ của Công an Thanh Hóa, trong số trên 20 ngàn lượt phương tiện bị tạm giữ vi phạm trật tự giao thông mỗi năm có gần 10% chủ xe không đến chấp hành quy định nộp phạt để nhận phương tiện về, đặc biệt tình trạng này đang có xu hướng tăng lên.

Quá tải các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự giao thông- Ảnh 3.

Việc các chủ xe và người liên quan không đến giải quyết nộp phạt đang khiến nhiều bãi tạm giữ phương tiện của công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn trong tình trạng quá tải, nhất là ở các huyện miền núi.

Quá tải các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự giao thông- Ảnh 4.

Hiện nay, Công an huyện Bá Thước đang tạm giữ trên 400 phương tiện xe máy, xe tự chế các loại... Trong đó có trên 200 phương tiện đã quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt nhưng chủ phương tiện và người liên quan vẫn không đến liên hệ giải quyết. Trong khi đó, Công an huyện Bá Thước chưa có bãi tạm giữ phương tiện nên đã phải tận dụng khuôn viên của đơn vị để làm bãi tạm giữ tạm thời.

Quá tải các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự giao thông- Ảnh 5.

Thiếu tá Nguyễn Văn Triều, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự, Công an huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Chúng tôi đã làm thủ tục pháp lý thông báo đến từng cá nhân vi phạm đến nộp phạt nhưng người dân không đến nộp phạt xử lý. Công an Bá Thước không có bãi tạm giữ xe nên chúng tôi phải tận dụng khuôn viên trong cơ quan phương tiện phải để ngoài trời nên xuống cấp".

Quá tải các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự giao thông- Ảnh 6.

Nguyên nhân chính khiến nhiều bãi tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự giao thông của Công an các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn trong tình trạng quá tải là bởi những phương tiện bị tạm giữ đều đã cũ, hư hỏng nghiêm trọng hoặc xe tai nạn, xe không có giấy tờ… Bên cạnh đó, Nghị định 100 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt quy định mức xử phạt vi phạm cao gấp nhiều lần giá trị phương tiện tạm giữ. Do đó, nhiều chủ xe có tâm lý bỏ phương tiện không đến làm thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.

Quá tải các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự giao thông- Ảnh 7.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ 7 đến 10 ngày, nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong thời hạn 1 năm, nếu chủ phương tiện không đến nhận, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá sung công quỹ. Thế nhưng, để thanh lý được phương tiện vi phạm giao thông, lực lượng chức năng phải tiến hành ít nhất là 5 bước cùng vô số hồ sơ thủ tục.

Quá tải các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự giao thông- Ảnh 8.

Tạm giữ phương tiện là một trong những hình thức xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, những quy định về thủ tục thanh lý phương tiện tạm giữ đang khiến nhiều phương tiện tiếp tục "lưu kho" hoen rỉ và hư hỏng. Vì vậy, Công an các huyện thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đơn giản hóa các thủ tục thanh lý phương tiện vi phạm hành chính, nhằm tránh lãng phí tài sản, phòng ngừa nguy cơ cháy nổ.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV