Quảng Xương gìn giữ nghề nuôi cá chép cúng Ông Công Ông Táo

08:58 - 27/01/2024

Thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương có một làng nghề truyền thống đã có từ xa xưa, đó là nghề nuôi cá chép phục vụ Lễ cúng ông Công ông Táo vào dịp 23 tháng Chạp hàng năm. Nghề nuôi cá chép ông Công ông Táo được nhiều hộ dân thị trấn Tân Phong duy trì với tâm nguyện lưu giữ lại một nét đẹp văn hóa của quê hương.

Vào thời điểm này, các hộ nuôi cá chép ở tổ dân phố Bái Trúc, thị Trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương đang bắt đầu di chuyển cá chép vào khu vực chứa cá tập trung để chuẩn bị xuất bán cho tết ông Công ông Táo, 23 tháng chạp sắp tới. Tổ dân phố Bái Trúc đang có gần 400 hộ dân duy trì nghề nuôi cá chép truyền thống, chủ yếu tận dụng không gian diện tích ao nuôi gia đình. Đầu mối tiêu thụ cá chép phục vụ Tết ông Công ông Táo, không chỉ trong tỉnh mà cung ứng cho các đầu mối đặt hàng ở khu vực các tỉnh Bắc Miền Trung từ Thừa thiên Huế trở ra.

Anh Nguyễn Trọng Chiến, tổ dân phố Bái Trúc thị Trấn Tân Phong huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hàng năm gia đình chúng tôi đưa vào nuôi con cá chép từ tháng 6, tháng 7 âm lịch thằng năm. Để phục vụ cho ngày 23 có cá đều, đẹp, chúng tôi đã lựa chọn con giống khỏe đưa vào chăn nuôi, nước chăn nuôi ổn định, sạch sẽ. Từ đầu tháng 12, chúng tôi đã phục vụ cho các đầu mối, các thương lái lấy để đưa đi các tỉnh, phục vụ cho bà con đúng ngày".

Quảng Xương gìn giữ nghề nuôi cá chép cúng Ông Công Ông Táo- Ảnh 1.

Theo các hộ nuôi, giá trị kinh tế từ nghề nuôi cá chép truyền thống không cao, nhưng họ vẫn duy trì nhằm lưu giữ lại một làng nghề truyền thống mà cha ông để lại. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ngoài nuôi cá chép truyền thống, các hộ dân còn sản xuất nhiều loại cá giống khác hư: giống cá lăng; cá nheo; cá vược, cá ba sa, cá rô phi đơn tính…

Để khuyến khích bà con địa phương duy trì làng nghề nuôi cá chép, đồng thời mở rộng đưa vào nuôi trồng thêm nhiều giống cá có thu nhập kinh tế cao, chính quyền thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương đã quy hoạch diện tích khu vực nuôi cá tập trung với qui mô gần 60 ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả. Ông Lê Hữu Mai, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Địa phương đã quy hoạch từ 50 - 60 ha đất để cho bà con Nhân dân nuôi cá truyền thống, bên cạnh cá chép đỏ truyền thống thì còn phát triển một số loại cá khác phục vụ phát triển kinh tế ở địa phương".

Quảng Xương gìn giữ nghề nuôi cá chép cúng Ông Công Ông Táo- Ảnh 2.

Mặc dù tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, nhiều ngành nghề dịch vụ phát triển mang lại giá trị kinh tế cao, tuy vậy người dân Tân Phong, huyện Quảng Xương vẫn quyết tâm gìn giữ lại một làng nghề truyền thống mang nhiều ý nghĩa văn hóa đã có từ bao đời.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 27/1/2024