Quốc hội thảo luận ở tổ về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

19:28 - 16/01/2024

Sáng ngày 16/1, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cùng với Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Trà Vinh và Hà Nam đã thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tham gia phiên thảo luận.

Các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này thể hiện sự đồng hành kịp thời của Quốc hội với Chính phủ trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Quốc hội thảo luận ở tổ về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia- Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa phát biểu:"Cái này phải nghiên cứu lại xem là có những  văn bản hiện hành nào đang quy định mà vướng mắc thì chúng ta phải có đặc thù riêng. Thời gian còn lại của chương trình của giai đoạn này rất ngắn, sau khi phân cấp cho cấp huyện xong thì phải tiếp tục có hướng hướng dẫn, phải có nguyên tắc, tiêu chí rõ thì cấp huyện mới dám thực hiện".

Các đại biểu cũng cho rằng, qua giám sát, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều khó khăn, Quốc hội cần đồng hành với Chính phủ để tháo gỡ.

Theo đại biểu Cao Thị Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: "Cái khó nhất hiện nay theo cá nhân tôi nghĩ vẫn là khâu thanh quyết toán của từng nguồn vốn này như thế nào mà để nó không vi phạm. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện có thể điều chỉnh từ giảm nghèo sang vốn của dân tộc miền núi sang nông thôn mới…. liệu nó có thực hiện được hay không, có tính khả thi hay không".

Buổi chiều ngày 16/1, phát biểu thảo luận tại hội trường về nội dung này, đại biểu Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hàng năm còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: trường hợp chi không còn đối tượng; nội dung chi không phù hợp với thực tiễn của địa phương… dẫn đến kết quả giải ngân vốn ngân sách thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 chỉ đạt khoảng 23%.

Quốc hội thảo luận ở tổ về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia- Ảnh 2.

Đại biểu Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại hội nghị.

Đại biểu Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá phát biểu: "Tôi đề nghị nên xem xét giao cho Hội đồng Nhân dân tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố theo tổng kinh phí chi thường xuyên và giao cho Hội đồng Nhân dân cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án, nội dung, thành phần, như thế sẽ rất chủ động cho các huyện và sử dụng chi thường xuyên sẽ sát thực tiễn và hiệu quả. Nhưng tôi cũng đề nghị, cũng cần phải có quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ để các địa phương thực hiện đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia đề ra, tránh tình trạng phân bổ một cách chủ quan, tập trung vào một vài dự án cụ thể".

Quốc hội thảo luận ở tổ về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia- Ảnh 3.

Ngày 17/1, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối, ngày 16/1/2024