Quý I/2022, dự báo tuyển dụng lao động sẽ sôi động

11:02 - 21/01/2022

Nhóm ngành nghề truyền thống như bán hàng, thương mại, văn phòng, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn trong thời gian tới. Đặc biệt, các tập đoàn đa quốc gia bắt đầu tìm kiếm các vị trí cấp cao do các ứng viên người Việt đảm nhiệm cho thấy năng lực ứng viên này ngày càng được cải thiện.

 

Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng lao động trực tuyến. Ảnh: AT
Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng lao động trực tuyến. Ảnh: AT

Chuyển động của thị trường lao động

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, năm 2022, thị trường lao động của thành phố tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỉ trọng lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Dự kiến toàn thành phố có 4.931.790 lao động làm việc; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%, công nghiệp - xây dựng chiếm 37,15%, thương mại - dịch vụ chiếm 61,89%. 

Mặt khác, quý I/2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự kiến thị trường lao động của Hà Nội cũng có những chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục vụ đơn hàng dịp Tết Nguyên đán nên có nhu cầu tuyển dụng bổ sung nhân lực. Bên cạnh đó, người lao động có xu hướng tìm việc làm sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho rằng, dự báo công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ có xu hướng tuyển dụng lớn. Một số ngành nghề như thương mại điện tử, logistic, vận tải, kho bãi, một số nhóm ngành nghề về phân tích dữ liệu nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến, cũng gia tăng việc tuyển dụng nhân sự.

Ngoài ra, nhóm ngành về thương mại quốc tế cũng sẽ tăng tuyển dụng qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, thậm chí một số nghề mới sẽ có thể phát sinh. Riêng số nhóm ngành nghề truyền thống năm qua có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, dự báo vẫn tiếp tục xu hướng này như bán hàng, thương mại, văn phòng, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Tuyển dụng vị trí nhân sự cấp cao

Dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý I/2021, bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc Navigos Search khu vực miền Bắc cho hay, công nghệ thông tin và viễn thông vẫn là ngành sôi động trên thị trường tuyển dụng. Đây là những ngành không bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19 nên các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng.

Thị trường đang xuất hiện các công ty trong mảng công nghệ thông tin đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mở văn phòng đại diện hoặc thành lập các trung tâm Nguyên cứu và Phát triển (R&D) về kỹ thuật.

Trong quý 4/2021, theo quan sát của Navigos Search, các doanh nghiệp có nhiều nhu cầu tuyển dụng nhân sự giỏi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo - dữ liệu lớn - chuỗi khối. Tuy nhiên, nguồn cung nhân sự cho các mảng này lại chưa có nhiều nên dẫn đến sự cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng trong ngành này.

Ngoài Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trong mảng công nghệ thông tin còn mở văn phòng tại Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đang có sự quan tâm đến việc tuyển dụng lao động phổ thông với số lượng lớn. Việc này sẽ dẫn tới quyết định đặt địa điểm nhà máy, đặc biệt đối với những ngành cần nhiều lao động phổ thông.

Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư nhà máy mới tại Việt Nam hoàn toàn qua các thông tin trực tuyến. Thông qua sự hỗ trợ của cơ quan hỗ trợ đầu tư thuộc các Đại sứ quán, việc tiếp cận thông tin khá thuận lợi từ các đối tác phát triển bất động sản công nghiệp và các tổ chức tư vấn đã giúp họ đưa ra quyết định nhanh chóng hơn.

Theo các nhà đầu tư FDI này, Việt Nam là điểm đến khá thuận lợi khi nằm trong chuỗi cung ứng trong khu vực Châu Á, thuận tiện về giao thông, cơ sở hạ tầng khá ổn, giá nhân công hợp lý… là những lý do khiến họ lựa chọn Việt Nam.

Đại diện Navigos Search thông tin thêm, trong mảng sản xuất, các tập đoàn đa quốc gia bắt đầu tìm kiếm các vị trí cấp cao do các ứng viên người Việt đảm trách như Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương hay Giám đốc khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy năng lực ứng viên người Việt Nam đã tốt hơn để có thể đảm nhiệm những vị trí tầm khu vực.

ANH THƯ/ BÁO LAO ĐỘNG