Sầm Sơn cụ thể hóa cơ chế đặc thù để phát triển đô thị

00:06 - 20/12/2022

Nhằm đáp ứng yêu cầu "Xây dựng và phát triển thành phố Sầm Sơn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" theo Nghị quyết số 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa; ngày 13/7/2022 Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Sầm Sơn. Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, giúp Đảng bộ, chính quyền thành phố Sầm Sơn triển khai thực hiện các công trình, dự án động lực, có tác động lan tỏa, cấp thiết, phục vụ an sinh xã hội và đời sống Nhân dân đã được xác định trong các nghị quyết, quy hoạch của địa phương.

Phường Quảng Châu có tổng diện tích đất tự nhiên gần 800 ha với dân số trên 9.480 người, được xác định là phường trọng điểm về phát triển hạ tầng kỹ thuật của thành phố Sầm Sơn. Trên địa bàn phường, hiện có khoảng 30 dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật và đô thị quy mô lớn, trong đó có 5 dự án thuộc danh mục được thực hiện theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Sầm Sơn, bao gồm: Nhà máy xử lý nước thải tập trung; Nhà máy xử lý rác thải; các tuyến giao thông: Đại lộ Nam Sông Mã từ Quốc lộ 10 đến đường Nguyễn Du, tuyến đường Tây Sầm Sơn 1 đi Quốc lộ 47, tuyến đường phía Tây Sầm Sơn 3 kết nối với Đại lộ Nam Sông Mã và Quốc lộ 7; và Dự án trung tâm văn hóa kết hợp bến bãi để xe của Thành phố.

Sầm Sơn cụ thể hóa cơ chế đặc thù để phát triển đô thị - Ảnh 1.

Để đáp ứng yêu cầu thực hiện các công trình dự án trên địa bàn, phường Quảng Châu cần phải thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 500 ha, theo đó, sẽ thu hồi đất của hàng nghìn hộ dân để giao mặt bằng cho các dự án. Cấp ủy, chính quyền phường Quảng Châu xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trọng điểm, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong phường.

Sầm Sơn cụ thể hóa cơ chế đặc thù để phát triển đô thị - Ảnh 2.

Để đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh, thành phố Sầm Sơn đã cụ thể hóa danh mục 5 dự án khai quỹ đất áp dựng chính sách đặc thù gồm: khu dân cư phía đông Trung tâm hành chính thành phố Sầm Sơn; nguồn đấu giá đất quỹ đất còn lại của các dự án khác trong khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp Sầm Sơn; khu dân cư phố Đồng Xuân; khu đô thị sinh thái Châu Lộc, phường Quảng Châu; khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Nam Trường Lệ….  

Sầm Sơn cụ thể hóa cơ chế đặc thù để phát triển đô thị - Ảnh 3.

Cho đến thời điểm này, một số hồ sơ dự án đầu tư đã được các cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt, một số công trình đang tiếp tục lập dự án đầu tư, hoàn thiện thiết kế để trình phê duyệt. Sau khi được Hội đồng Nhân dân thành phố Sầm Sơn thông qua nghị quyết tại kỳ họp tới đây, các dự án đầu tư theo cơ chế, chính sách đặc thù sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2023.

Sầm Sơn cụ thể hóa cơ chế đặc thù để phát triển đô thị - Ảnh 4.

Sầm Sơn được xác định là đô thị du lịch biển quan trọng của tỉnh Thanh Hóa và cả nước. Bởi vậy từ năm 1989 đến nay, tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, nghị quyết về phát triển du lịch, nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ đánh thức tiềm năng, lợi thế của đô thị du lịch biển này. 

Nhằm đưa Sầm Sơn trở thành trọng điểm du lịch Quốc gia trong tương lai gần, ngày 26/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về "Xây dựng và phát triển thành phố Sầm Sơn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Đây là cơ sở quan trọng để Đảng bộ, chính quyền thành phố Sầm Sơn từng bước hiện thực hóa các mục tiêu nhiệm vụ, phấn đấu đến năm 2030 trở thành Thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn và thân thiện. Để phát triển đô thị, công tác quản lý quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch đang được Đảng bộ Thành phố Sầm Sơn tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Ông Lê Trung Sơn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Với tiềm năng, lợi thế và cơ chế, chính sách thông thoáng, Sầm Sơn đã và đang thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư vào du lịch, trở thành "bến đỗ" của nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn như: SunGroup, Văn Phú, Đông Á... Với quy mô diện tích 550 ha, dự án Quảng trường biển và tổ hợp Đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp của Tập đoàn Sun Group, có tổng mức đầu tư gần 25 nghìn tỷ đồng, đã và đang được đẩy nhanh tiến độ và sẽ đưa vào khai thác một số hạng mục vào mùa du lịch 2023. Dự án này hứa hẹn sẽ góp phần đưa thành phố Sầm Sơn trở thành một trong những Trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực. Ý thức được tầm quan trọng của dự án này, Thành phố Sầm Sơn đã tập trung lãnh đạo làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án.                                     

Sầm Sơn cụ thể hóa cơ chế đặc thù để phát triển đô thị - Ảnh 5.

Hy vọng với quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân, đặc biệt là những tác động tích cực từ cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành, thành phố Sầm Sơn sẽ huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 Sầm Sơn đạt tiêu chí hạ tầng đô thị loại II, trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước. Đồng thời bám sát Quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt để lập, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, phát triển thành phố Sầm Sơn đến năm 2045 có tầm nhìn chiến lược và tính khả thi cao, từ đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, trở thành Thành phố du lịch biển hiện đại, thông minh,  hấp dẫn và thân thiện.

  

Nguồn: Chuyên mục Đưa Nghị quyết vào cuộc sống ngày 8.12