Sân khấu nghệ thuật truyền thống xứ Thanh: Mong chờ làn gió mới

16:59 - 29/09/2022

Cách đây khoảng hai thập kỷ, sân khấu được coi là thời hoàng kim với nhiều vở diễn có tiếng vang rất lớn trong xã hội. Thời đó, nhiều người coi việc đi xem kịch như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội đã ra đời nhiều loại hình giải trí mới. Bởi vậy, sân khấu không còn được như xưa. Câu chuyện sân khấu còn lạc hậu, chậm phát triển so với đời sống hiện đại đã được nhắc đến trong nhiều năm qua. Thế nhưng theo thời gian, câu chuyện cũ này vẫn luôn mới mỗi khi được đem ra bàn luận.

Vốn được xem là mảnh đất của những tinh hoa văn hóa hội tụ; trong cái danh giá ngàn đời ấy của xứ Thanh có một phần đóng góp quan trọng của các bộ môn nghệ thuật truyền thống như: kịch, tuồng, chèo, cải lương...

Có một thời những buổi diễn dù ở nơi trung tâm đô thị hay các vùng quê đều đông kín khán giả, người ta nói với nhau tối nay có đoàn về diễn đấy, nhớ ăn cơm sớm để còn đi xem; người nghệ sĩ được người dân yêu mến nhớ mặt, biết tên... Và giờ đây nó dường như chỉ còn ký ức đẹp của những nghệ sĩ đã có tuổi.

Không thể phủ nhận rằng, sự "vắng khách" của sân khấu truyền thống có nguyên nhân khách quan là do sự xuất hiện của nhiều hình thức nghệ thuật, sự bùng nổ về công nghệ thông tin, các phương tiện giải trí công nghệ cao của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, sự thay đổi tích cực của điện ảnh và phim truyền hình. Tuy nhiên, về chủ quan, phải thừa nhận rằng, diện mạo sân khấu hiện nay còn quá lạc hậu, chậm phát triển so với hiện thực đang thay đổi nhanh theo đà phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành sân khấu, các nhà hát nghệ thuật xứ Thanh cũng đã và đang nỗ lực "chuyển động", xây dựng những chương trình nghệ thuật, vở diễn với nội dung, hình thức thể hiện mới, nhận được sự đánh giá cao tại các kỳ liên hoan, hội thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Sau thời gian dài gần như đóng băng hoàn toàn bởi dịch Covid – 19, cuối năm 2021, Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn đã đánh dấu sự trở lại với thành công của vở diễn "Vầng sáng" khi dành được nhiều hạng mục giải thưởng quan trọng tại Liên hoan kịch nói toàn quốc.

Sân khấu nghệ thuật truyền thống xứ Thanh: Mong chờ làn gió mới - Ảnh 2.

Lấy bối cảnh của cuộc chiến chống tham nhũng – một vấn đề nóng và nhức nhối của của xã hội, thế nhưng "Vầng sáng" không chỉ dừng lại ở việc khai thác trên khía cạnh "công việc nhà nước" mà khai thác ở khía cạnh phẩm giá và các mối quan hệ tình cảm chồng chéo lẫn nhau. Từ những mối quan hệ bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, đến quan hệ gia đình, thông gia, tình yêu đôi lứa. Nó làm cho người xem đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác.

Sân khấu nghệ thuật truyền thống xứ Thanh: Mong chờ làn gió mới - Ảnh 3.

Với "Vầng sáng", nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn không chỉ cho thấy sự mạnh dạn thay đổi ở nội dung đề tài mà còn ở các vai diễn. Ngoài những nhân vật được đo ni đóng giày, trong kỳ liên hoan này, nhà hát đã mạnh dạn sử dụng những gương mặt mới. Và sự mạo hiểm đó đã thành công khi nghệ sĩ trẻ Hà Trọng Nghĩa đã thể hiện được tài năng diễn xuất của mình và dành huy chương bạc cá nhân tại liên hoan.

Để chuẩn bị Liên hoan Chèo toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 10 tại Hà Nội, mới đây nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa cũng đã xây dựng vở diễn "Đất liền và biển cả". Câu chuyện được chia thành hai không gian: đất liền và biển cả. Đất liền là ngôi nhà, nơi có mẹ già, vợ trẻ đang mang bầu. Biển cả là những buồn vui của người người lính Trường Sa. Sự đan xen giữa hai không gian khiến nội dung vở diễn trở nên cuốn hút, hấp dẫn và đầy xúc cảm. Đó là hình ảnh người mẹ luôn muốn con mình trưởng thành, cống hiến vì biển đảo quê hương; là người vợ phân vân muốn lên đơn vị xin cho chồng không phải ra biển vì mẹ già mắc căn bệnh ung thư quái ác; là binh nhất Bùi Kỳ Đà thời kỳ đầu ra đảo chỉ biết khóc vì nhớ mẹ và nhớ nhà đến cồn cào; là Hòa đại nhân mưu mô tính toán cùng những dục vọng tầm thường... mỗi nhân vật đều được xây dựng với tính cách riêng của mình.

Sân khấu nghệ thuật truyền thống xứ Thanh: Mong chờ làn gió mới - Ảnh 4.

Khác hẳn với những đề tài lịch sử thường thấy, "Đất liền và biển cả" là một không gian mang đậm hơi thở của cuộc sống hôm nay với một loạt những gương mặt trẻ. Xuyên suốt hơn hai tiếng vở diễn là những làn điệu chèo mượt. Có những lúc tình huống được đôn lên gay gắt, đỉnh điểm thì một câu thoại đầy tính châm biếm lại làm cho người nghe cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Điều quan trọng là tính thời sự và tính nghệ thuật đảm bảo được sự hài hòa trong tác phẩm. Những giai điệu âm nhạc không làm cho tác phẩm mất đi tính cam go, khốc liệt mà ngược lại còn làm cho các tình tiết trở nên mềm mại hơn. Điều đó càng làm cho "Đất liền và biển cả" đi vào lòng người xem hơn.

Bên cạnh những nỗ lực những đổi mới về đề tài, về kịch bản, sự đổi mới về con người cũng thực sự cần thiết để có thể thổi một làn gió mới cho sân khấu nghệ thuật. Song nhìn vào thực tế, người ta sẽ không khỏi ngậm ngùi khi nhận ra sự thiếu hụt trầm trọng về đội ngũ diễn viên trẻ kế cận.

Sân khấu nghệ thuật truyền thống xứ Thanh: Mong chờ làn gió mới - Ảnh 5.

Dễ nhận thấy các tài năng sân khấu, nhất là của kịch hát truyền thống đang bị "chảy máu" sang ngành nghề khác. Song cũng khó trách, khi mà thực tế nhãn tiền là thu nhập từ nghiệp diễn của các nghệ sĩ sân khấu khó có thể đủ để nuôi sống bản thân, gia đình, nhất là trong bối cảnh sân khấu đang gặp nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều loại hình giải trí khác. Vì thế, để không làm gián đoạn dòng chảy sân khấu truyền thống, cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời để những người làm nghề, đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ yên tâm cống hiến.

Sân khấu nghệ thuật truyền thống xứ Thanh: Mong chờ làn gió mới - Ảnh 6.

Trong một cuộc gặp gỡ mới đây nhân ngày sân khấu Việt Nam 2022, một lần nữa những khó khăn, những hạn chế của sân khấu nghệ thuật tỉnh nhà lại được đề cập. Vẫn những câu chuyện cũ nhưng chưa bao giờ thôi nóng.

Để khắc phục những hạn chế đó, để sân khấu truyền thống có thể tìm được chỗ đứng và hướng đi mới dưới áp lực cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật hiện đại thì không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực đổi mới rất lớn từ các nhà hát, các nghệ sĩ mà song hành với đó phải là những cơ chế chính sách của Nhà nước và các cấp có thẩm quyền nhằm thu hút, khuyến khích các diễn viên trẻ, đồng thời có chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công để họ yên tâm làm việc, cống hiến hết mình. Có như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng những làn gió mới cho sân khấu nghệ thuật truyền thống.



Nguồn: Chuyên mục Văn học nghệ thuật xứ Thanh