Sản xuất công nghiệp 2023: Nỗ lực vượt khó để tăng trưởng

19:48 - 30/12/2023

Vượt qua nhiều khó khăn thách thức, năm 2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 4,87% so với cùng kỳ, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng GRDP của tỉnh. Kết quả này khẳng định những nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp.

Là lĩnh vực đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp của tỉnh, năm 2023 ngành dệt may Thanh Hoá phải đối diện với nhiều khó khăn về thị trường, đơn hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã linh hoạt tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh. Nhờ vậy, kết thúc năm 2023, toàn tỉnh sản xuất được hơn 508 triệu sản phẩm dệt may, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt, bắt đầu từ quý 4, đơn hàng cho ngành dệt may đã quay trở lại nhiều hơn.

Sản xuất công nghiệp 2023: Nỗ lực vượt khó để tăng trưởng- Ảnh 1.

Sản xuất công nghiệp 2023: Nỗ lực vượt khó để tăng trưởng- Ảnh 2.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hoá

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hoá, cho biết: "Doanh nghiệp đã phải nỗ lực tìm đơn hàng, dù đơn hàng ngắn khó, giá trị thấp để đảm bảo việc làm, thứ 2 mở thêm thị trường trong đó có cả thị trường nội địa, nên 2023 so với cùng kỳ tăng gần 10% và kế hoạch 2024 ngành dệt may sẽ tăng từ 15-20% so với 2023".

Bước sang năm 2023, sản xuất công nghiệp của tỉnh phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có bởi dịch bệnh và những căng thẳng, biến động chính trị, thương mại quốc tế khiến lạm phát tăng cao. Trong nước, giá nguyên vật liệu tăng cao, việc hấp thụ vốn của doanh nghiệp khó khăn đã tác động bất lợi đến hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất khẩu.

Sản xuất công nghiệp 2023: Nỗ lực vượt khó để tăng trưởng- Ảnh 3.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất với mức cao nhất. Nhờ vậy, đã có 15/25 sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao hơn so với cùng kỳ, có thêm 48 dự án công nghiệp được chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký hơn 13,3 nghìn tỷ đồng và 228,4 triệu USD.

Bước sang năm 2024, các đơn vị sản xuất công nghiệp đang chủ động theo dõi, đánh giá thị trường, để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Sản xuất công nghiệp 2023: Nỗ lực vượt khó để tăng trưởng- Ảnh 4.

Sản xuất công nghiệp 2023: Nỗ lực vượt khó để tăng trưởng- Ảnh 5.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Xi măng Long Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Long Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Trong quý 4 vừa qua chúng tôi cũng đã tập trung giải pháp để làm sao sang năm 2024 tiếp tục tối ưu hoá, giảm chi phí sản xuất, tăng cường maketting mở rộng thị trường, đặt mục tiêu tăng trưởng so với 2023 khoảng 15 - 20%".

Năm 2024, tỉnh Thanh Hoá phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,9% trở lên. Theo Cục Thống kê tỉnh, đây là mục tiêu cao nhưng vẫn có khả năng thực hiện, bởi dư địa tăng trưởng còn lớn khi trong năm 2023 hầu hết cơ sở sản xuất lớn như xi măng, thép, lọc hoá dầu hoạt động thấp hơn công suất thiết kế. Ngoài ra, trong năm 2023 đã có một số dự án hoàn thành, đi vào hoạt động, dự kiến đóng góp 2,2% điểm tăng trưởng của ngành công nghiệp.

Sản xuất công nghiệp 2023: Nỗ lực vượt khó để tăng trưởng- Ảnh 6.

Sản xuất công nghiệp 2023: Nỗ lực vượt khó để tăng trưởng- Ảnh 7.

Ông Nguyễn Mạnh Hiệp, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thanh Hoá

Ông Nguyễn Mạnh Hiệp, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thanh Hoá, cho biết: "Phải tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo không gian phát triển mới. Về phía doanh nghiệp, cũng cần tái cơ cấu lại vốn đầu tư, quản trị để hoạt động hiệu quả cao nhất".

Với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, tỉnh Thanh Hoá đang tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, với quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Qua đó, tạo động lực đưa tăng trưởng GRDP toàn tỉnh đạt 11% trở lên.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 30/12/2023