Sản xuất công nghiệp Thanh Hóa nỗ lực vượt khó để tăng trưởng

Năm 2022, mặc dù vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phục hồi và tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 16,31% so với cùng kỳ. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều tăng cao so với cùng kỳ. Kết quả này cho thấy những nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, các ngành, các địa phương trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Thanh Hóa tăng 16,31% so với cùng kỳ.

Có 23 trong tổng số 25 sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ. Trong đó nhiều sản phẩm tăng mạnh như: Quần áo may sẵn tăng 29,9%; giày thể thao tăng 22,5%; bia tăng 19,4%; điện sản xuất tăng 20,5%...

Trong năm, đã có nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn hoàn thành đi vào sản xuất như Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2; nhà máy may xuất khẩu S&D Thanh Hóa….

Sản xuất công nghiệp Thanh Hóa nỗ lực vượt khó để tăng trưởng  - Ảnh 2.

Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phát triển ổn định…

Tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng chiếm tới 48,8% cơ cấu GRDP của tỉnh, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh năm 2022

Đây là những kết quả nổi bật trong phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022.  Đáng chú ý, trong sản xuất công nghiệp đã hình thành những sản phẩm có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo tăng dần. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt tăng trưởng cao trong sản xuất kinh doanh.

Sản xuất công nghiệp Thanh Hóa nỗ lực vượt khó để tăng trưởng  - Ảnh 3.

Ông Đỗ Trường Giang, Phó Giám đốc công ty cổ phần Bia Hà Nội – Thanh Hóa

Ông Đỗ Trường Giang, Phó Giám đốc công ty cổ phần Bia Hà Nội – Thanh Hóa cho biết: "Sản lượng tiêu thụ bia tăng 5%, thứ 2, doanh thu tăng khoảng 15%; lợi nhuận cũng tăng gấp khoảng 1,7 lần, có được kết quả đó công ty đã đặt ra nhiều giải pháp như tiếp tục tái cơ cấu sắp xếp lại lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm làm sao hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt nhất."


Sản xuất công nghiệp Thanh Hóa nỗ lực vượt khó để tăng trưởng  - Ảnh 4.

Ông Lê Hùng Mạnh, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Hùng Mạnh, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Trong năm qua Hữu Nghị dùng mọi giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của thị trường, điều lớn nhất là chúng tôi vẫn giữ được thị trường, lo việc làm, thu nhập cho người lao động ổn định."

Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, giúp các doanh nghiệp ổn định nguồn lao động, duy trì sản xuất. Đồng thời khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, giảm thuế, ưu tiên nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất với mức cao nhất. Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng đã chủ động, linh hoạt nỗ lực sản xuất và tìm kiếm thị trường mới. Nhờ vậy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022 đã phục hồi và tăng trưởng tích cực.

Sản xuất công nghiệp Thanh Hóa nỗ lực vượt khó để tăng trưởng  - Ảnh 5.

Tuy nhiên, do tác động bởi lạm phát kinh tế, ảnh hưởng của dịch bệnh và cuộc xung đột Nga – Ukraine từ đầu quý 4 trở lại đây, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, và dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài sang nửa đầu năm 2023. Một số dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai trên địa bàn bị chậm tiến độ. Trong khi nhiều sản phẩm truyền thống đã kịch trần tăng trưởng. Đây sẽ là những thách thức lớn cho sản xuất công nghiệp trong năm 2023.

Sản xuất công nghiệp Thanh Hóa nỗ lực vượt khó để tăng trưởng  - Ảnh 6.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Long Sơn, tỉnh Thanh Hóa =

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Long Sơn, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Thị trường nhận định khó khăn trong năm 2023, đối với xi măng Long Sơn đang cố gắng hoạch định thị trường nội địa, xuất khẩu, làm sao tìm khách hàng mới, tìm kiếm đối tác sử dụng bền vững như Mỹ, Châu Á, đảm bảo sản xuất."


Sản xuất công nghiệp Thanh Hóa nỗ lực vượt khó để tăng trưởng  - Ảnh 7.

Ông Lê Huy Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính – Tổng hợp, Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa


Ông Lê Huy Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính – Tổng hợp, Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Sở công thương tích cực phổ biến hướng dẫn các hiệp định tự do mới ký kết để nâng cao năng lực hội nhập của doanh nghiệp, và tập trung nắm băt khó khăn cho doanh nghiệp, đưa dự án sản xuất công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương sớm vào hoạt động để có sản phẩm mới, đồng thời tiếp tục xúc tiến đầu tư, phát triển lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong năm 2023."

Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17% trở lên. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 200 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. Đây là mục tiêu có tính phấn đấu rất cao, nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất công nghiệp đang phải chịu tác động, thách thức khó khăn từ nền kinh tế thế giới và trong nước. Thực tế này đòi hỏi các đơn vị sản xuất công nghiệp phải linh hoạt, chủ động hơn trong sản xuất, dự báo thị trường. Ngành Công thương Thanh Hóa cũng đang tiếp tục rà soát, đánh giá khả năng sản xuất của từng nhóm hàng, ngành hàng để kịp thời tham mưu cho tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP toàn tỉnh đạt 11% trong năm 2023.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 31/12/2022