Sáng mãi phẩm chất Bộ đội cụ Hồ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Thanh Hóa có 88 người được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Sau chiến tranh, những anh hùng dũng sỹ từng làm nên những điều phi thường lại trở thành những con người bình dị trong cuộc sống đời thường. Nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ vẫn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất ngời sáng của Bộ đội cụ Hồ, là tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương nơi cư trú.

Ông Mai Ngọc Thoảng sinh ra và lớn lên tại vùng đất Chiến khu Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành. Năm 1970, ông nhập ngũ, được huấn luyện rồi vào Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B Quân đoàn 1 (nay là Sư đoàn 390). Năm 1972, đơn vị của ông được điều động tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị, với nhiệm vụ đảm bảo đường dây thông tin phục vụ chiến đấu. Vào giữa tháng 7/1972, thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, đường dây liên lạc chạy qua sông Thạch Hãn, nối sở chỉ huy với mặt trận bị đứt mà các chiến sĩ không thể nối lại được, nhiều người đã hy sinh. Ông Mai Ngọc Thoảng xung phong nhận nhiệm vụ.

Sáng mãi phẩm chất  Bộ đội cụ Hồ- Ảnh 1.

Sáng mãi phẩm chất  Bộ đội cụ Hồ- Ảnh 2.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mai Ngọc Thoảng, Khu phố 12, phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mai Ngọc Thoảng, Khu phố 12, phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Trong lúc đang bắn, nó bắn dội lên, tôi nghĩ mình chỉ còn cách nối dây trực tiếp bằng hai hàm răng của tôi lại. Tôi cắn chặt 2 đầu dây lại để trực tiếp liên lạc, rồi  bom đạn cứ bắn kệ nó".

Thành tích phi thường của người lính thông tin Mai Ngọc Thoảng đã góp công lớn vào chiến thắng 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị. Năm 1973, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân khi vừa tròn 20 tuổi.

Sáng mãi phẩm chất  Bộ đội cụ Hồ- Ảnh 3.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Mai Ngọc Thoảng trở về địa phương, tích cực tham gia công tác tại phố 12, phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn. Trên cương vị Bí thư Chi bộ, trưởng phố, ông đã sát cánh cùng cán bộ, Nhân dân xây dựng phố trở thành đơn vị kiểu mẫu tiêu biểu của thị xã.

Sáng mãi phẩm chất  Bộ đội cụ Hồ- Ảnh 4.

Cũng được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng chiến công của ông Đinh Công Chấn, một người con làng biển ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương lại khá thầm lặng. Năm 1965, Mỹ tăng cường cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chàng trai Đinh Công Chấn xung phong lên đường nhập ngũ, muốn được cầm súng chiến đấu. Nhưng khi vào tới chiến trường, ông lại được giao vận tải xe thồ, thuộc đại đội 2, tiểu đoàn 49 vận tải Cục Hậu cần, Bộ tư lệnh đoàn 559. Từ nhỏ chỉ quen với chài lưới, chinh phục sóng to, gió cả, ông chưa từng làm quen với xe đạp, xe đạp thồ lại càng xa lạ. Mặc dù vậy, với suy nghĩ: bất cứ nhiệm vụ gì hoàn thành tốt cũng đều vinh quang. Thế là ông lao vào tập điều khiển xe, rồi không ngừng nghiên cứu, cải tiến để tăng tải trọng của xe thồ, từ 300kg, lên 500kg, rồi trên 1 nghìn kg. Với chiếc xe đạp thồ thô sơ, Đinh Công Chấn đã đi vào lịch sử ngành vận tải và lập nên kỳ tích có một không hai ở chiến trường Đông Nam Bộ. Với những thành tích xuất sắc, năm 1972, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Công Chấn, Phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa

Mỗi một người anh hùng đều đã tự mình làm nên những điều phi thường, tạo nên huyền thoại trong cuộc chiến tranh vệ quốc vỹ đại. Đó là tấm gương anh dũng, không quản ngại hy sinh của anh hùng Trần Ngọc Mật, quê xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, người lính công binh chuyên rà phá bom, mìn, ngư lôi để đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường, cầu phà, sông suối. Đó là huyền thoại của anh hùng Ngô Thị Tuyển, người nữ dân quân vác trên mình 2 hòm đạn nặng gấp đôi cơ thể của mình, băng qua mưa bom lửa đạn của quân thù để tiếp đạn cho bộ đội, góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng lịch sử, và còn nhiều anh hùng, dũng sỹ khác.

Sáng mãi phẩm chất  Bộ đội cụ Hồ- Ảnh 5.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền". Cuộc đời binh nghiệp với những thành tích, chiến công hiển hách của các anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, cùng với lối sống giản dị, khiêm cung và tinh thần tận hiến của họ khi trở về với đời thường, đã khiến họ trở thành những tấm gương sáng, lan tỏa những điều tốt đẹp cho hôm nay và mai sau.

Nguồn: Bản tin THNM 8/4/2024