Sát cạnh Nhân dân để khắc phục hậu quả thiên tai

19:41 - 18/08/2019

(TTV)- Thiên tai là khó lường và hậu quả của nó thường đau xót. Nhưng nó cũng cho thấy một bài học: việc cấp uỷ, chính quyền các cấp kịp thời đến với Nhân dân, sát cạnh Nhân dân để khắc phục hậu quả thiên tai; sự đoàn kết, chia sẻ của cộng đồng xã hội… sẽ làm dịu đi rất nhiều những đau thương, mất mát của người dân.

Mùa Xuân, Xía Nọi, Ché Lầu… ba bản người Mông cao và xa nhất của huyện Quan Sơn bị thiệt hại nặng trong đợt thiên tai đầu tháng 8 vừa qua. Hai người chết, hàng chục ngôi nhà bị sập hoặc hư hại nghiêm trọng, nhiều hạ tầng, công trình công cộng bị vùi lấp hoặc cuốn trôi.

Đặc biệt là việc bị cô lập hoàn toàn khiến tâm lý của người dân bất an. Không điện, không thông tin liên lạc, đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, chỉ có thể cắt rừng mà đi. Có những bản, như Xía Nọi của xã Sơn Thuỷ, phải hơn 12 tiếng cắt rừng, vượt núi với quãng đường 24km mới vào được bản. Nhưng ngay sau khi xảy ra lũ quét, lãnh đạo huyện Quan Sơn đã trực tiếp vào tận bản, chia sẻ thiệt hại với người dân, động viên nhân dân vượt qua mất mát. Điều này khiến người dân rất yên tâm, tin tưởng.

 

Anh Hà Văn Diệp   Bản Trung Sơn, xã Sơn Thuỷ, huyện Quan Sơn:
Anh Hà Văn Diệp Bản Trung Sơn, xã Sơn Thuỷ, huyện Quan Sơn: "Mặc dù bị cô lập về đường đi và thông tin liên lạc, nhưng huyện đã kịp thời đến động viên tinh thần, giúp đỡ bà con về nhiều mặt nên bà con rất yên tâm"

Trong ký ức của những người cao tuổi như bà Điện, chưa bao giờ, kể từ ngày bản Sa Ná được thành lập, lại có một thiên tai khủng khiếp như trận lũ quét vừa qua. Có những tài sản lớn, cả đời mới tích cóp được, bị cuốn theo dòng nước lũ trong chớp mắt. Rồi những mất mát không thể bù đắp về con người.

Nhưng cũng trong thiên tai, người dân bản Sa Ná luôn cảm thấy ấm áp, bởi cấp uỷ, chính quyền, các lực lượng và các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện luôn bên cạnh họ, san sẻ những đau thương, mất mát.

Một kinh nghiệm ứng phó thiên tai mà Thanh Hoá đã thực hiện thành công ở Sa Ná, đó là cấp uỷ, chính quyền trực tiếp vào vùng tâm lũ để chia sẻ với Nhân dân, gần dân, sát dân để lo cho Nhân dân. Ngay sau lũ, mặc dù đường chưa thông, nhưng đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Văn Chiến, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng, cùng nhiều lãnh đạo bộ ban ngành Trung ương đã vào tận bản Sa Ná, gặp từng người dân, nhất là những hộ bị mất người thân, hộ bị thiệt hại nặng… để động viên, chia sẻ với người dân. Huyện Quan Sơn cũng thành lập một tổ công tác do lãnh đạo huyện trực tiếp phụ trách, có mặt 24/24 tại bản Sa Ná, vừa chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, vừa ổn định tinh thần nhân dân, vừa hỗ trợ các đoàn thiện nguyện làm công tác từ thiện.

 

Ông Ngân Văn Thêu- Phó Trưởng bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn:
Ông Ngân Văn Thêu- Phó Trưởng bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn: "Khi thiên tai xảy ra, bị cô lập, mới chỉ có cấp chính quyền cơ sở quan tâm thì tâm lý bà con chưa vững vàng cho lắm; nhưng giờ thì có đảng, nhà nước, bà con rất yên tâm, tư tưởng đã ổn định trở lại"

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Văn Chiến đã chỉ đạo: đến 30/11/2019, huyện Quan Sơn phải hoàn thành khu tái định cư cho người dân bản Sa Ná. Đây là việc làm khó, đòi hỏi phải có quyết tâm rất cao mới có thể hoàn thành, bởi hạ tầng công cộng đã bị hư hại nghiêm trọng và quỹ đất ở bản Sa Ná rất hạn hẹp. Nhưng với quyết tâm lo cho Nhân dân một cuộc sống ổn định, chia sẻ với Nhân dân những đau thương mất mát vừa qua, khu tái định cư đã được huyện Quan Sơn ngay lập tức bắt tay vào xây dựng. Một cuộc sống mới, ổn định hơn sẽ sớm đến với người dân bản Sa Ná…


Theo Thời sự tối 18/8/2019