Số ca mắc tay chân miệng tăng gần 65% so với cùng kỳ năm 2022

18:23 - 27/11/2023

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá, đến cuối tháng 11/2023, toàn tỉnh ghi nhận gần 600 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 65% so với cùng kỳ năm 2022.

Đa phần bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhẹ với các tổn thương như: rát đỏ, mụn nước ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối. Các bác sỹ cho biết, phát hiện sớm bệnh tay chân miệng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc điều trị được thuận lợi, bệnh nhân được chăm sóc và theo dõi sát, hạn chế những rủi ro có thể gây tác hại xấu đến sức khỏe của trẻ.

Số ca mắc tay chân miệng tăng gần 65% so với cùng kỳ năm 2022- Ảnh 1.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Số ca mắc bệnh tay chân miệng thường tăng cao từ tháng 5 đến tháng 7 và tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Số ca mắc tay chân miệng tăng gần 65% so với cùng kỳ năm 2022- Ảnh 2.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trẻ mắc bệnh sẽ được theo dõi và điều trị các triệu chứng. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ở các cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị kịp thời, đúng cách, tránh xảy ra biến chứng.

Nguồn: Bản tin 18h30 ngày 27/11/2023