Sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025

20:25 - 22/03/2023

Chiều ngày 22/3, tại Trung tâm Hội nghị 25B, Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Dự hội nghị, về phía Trung ương có các đồng chí: Lê Minh Hoan, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia; Tôn Ngọc Hạnh, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Về phía tỉnh Thanh Hoá, có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hoá; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hoá; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Trong 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây, Thanh Hóa đều xác định Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ. Trong 2 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đang làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên,  kết quả xây dựng nông thôn mới giữa thành thị và nông thôn và giữa các vùng, miền trong tỉnh còn chênh lệch khá lớn; đặc biệt đến nay vẫn còn một huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới và trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 
xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 2.

Báo cáo tại hội nghị cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thực hiện trong bối cảnh tình hình có nhiều biến động và khó khăn. Yêu cầu của Bộ tiêu chí cao hơn nhiều so với giai đoạn trước, nên việc thực hiện khó khăn hơn so với dự báo tại thời điểm xây dựng kế hoạch. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2022 của tỉnh Thanh Hoá tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện. Trong 02 năm (2021-2022) và quý I/2023, Thanh Hoá có thêm 4 đơn vị cấp huyện, 35 xã và 148 thôn bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã và 254 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 223 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,73 tiêu chí nông thôn mới/xã (tăng 0,23 tiêu chí so với năm 2020). So sánh với mục tiêu, kế hoạch giai đoạn 2021-2025: Thanh Hoá đã đạt 63% chỉ tiêu huyện nông thôn mới, 86% chỉ tiêu xã nông thôn mới, 80% chỉ tiêu thôn bản nông thôn mới; 45% chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao; 29% chỉ tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu, 91% chỉ tiêu thôn bản nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong 2 năm 2021-2022 đạt hơn 13.980 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 55,4%.

Sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 
xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 3.

Tuy nhiên, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới của Thanh Hoá vẫn còn tồn tại, hạn chế, như: công tác quy hoạch chung xây dựng xã vẫn còn chậm; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sạch đẹp đã được địa phương quan tâm, song chỉ dừng lại việc xây dựng mô hình, chưa đồng bộ, rộng khắp; các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn; sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm hàng hoá OCOP chưa được nâng lên.

Các đại biểu tham luận tại hội nghị cũng đã chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới, như: số xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới của các huyện miền núi còn nhiều, chủ yếu là những xã rất khó khăn về nguồn lực; nguồn thu của nhiều địa phương khó khăn hơn, ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được nâng cao hơn giai đoạn trước, vì vậy, nhiều nội dung tiêu chí rất khó khăn để thực hiện, nhất là ở các xã miền núi…

Sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 
xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu đạt được từ sự quyết tâm, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hoá trong việc chung sức xây dựng nông thôn mới. Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Thanh Hoá đang phải đối mặt, Bộ trưởng đề nghị Thanh Hoá tiếp tục chủ động tìm kiếm cách thức tiếp cận mới, nguồn lực mới trong việc xây dựng nông thôn mới. Đồng tình với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà tỉnh Thanh Hoá đề ra để phấn đấu thực hiện xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở thêm một số vấn đề, cách làm trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời lưu ý: Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở các mô hình phát triển sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Giá trị sâu xa, cốt lõi của xây dựng nông thôn mới là hướng đến xây dựng cấu trúc kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng một nông thôn hài hoà giàu bản sắc, góp phần tiến tới xã hội hài hoà, hài hoà giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa thụ hưởng và đóng góp, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa truyền thống và hiện đại, giữa tri thức bản địa và tri thức phổ quát, khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ tin tưởng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Thanh Hoá sẽ sớm về đích với nhiều sáng kiến khác biệt, đặc sắc.

Sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 
xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 5.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hoá, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của cấp uỷ, chính quyền các cấp, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung sức xây dựng nông thôn mới. Điều này đã đem lại nhiểu thay đổi tích cực, nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hoá trong 2 năm qua, dù chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, có những thách thức chưa từng có tiền lệ. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng đã phân tích sâu những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ những nguyên nhân của hạn chế, đúc rút các bài học kinh nghiệm; đồng thời lưu ý: Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng, khu vực nông thôn chiếm khoảng 80% diện tích toàn tỉnh; lao động nông nghiệp và số người dân sống trong khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động và dân cư trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Thanh Hoá.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại hội nghị

Nhân dịp này, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và cá nhân đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới năm 2021-2022".

Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 22/03/2023