Ký sự Nhất nghệ tinh- Sống mãi nghề đúc đồng truyền thống

23:55 - 16/09/2022

Cách thành phố Thanh Hóa chừng 13 km về phía Tây, làng Chè hay còn gọi là làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa từ lâu đã nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, nghề đúc đồng làng Trà Đông vẫn giữ còn được nét độc đáo, đặc trưng. Bằng bàn tay lao động, sự sáng tạo không ngừng, các thế hệ người dân trong làng đã thắp lên sức sống mãnh liệt cho một nghề đã đồng hành cùng lịch sử đất nước hàng nghìn năm.

Truyền thuyết kể rằng: Từ thời nhà Lý, dòng họ Vũ đã đưa nghề đúc đồng về Trà Đông, nên ở làng ngày nay vẫn truyền tụng câu ca "Đất họ Lê - nghề họ Vũ".  Cũng có thuyết cho rằng, nghề đúc đồng ở làng Trà Đông là do ông Khổng Minh Không truyền nghề. Biết ơn ông, đến thời Tự Đức, dân làng đã lập đền thờ thánh Khổng Minh Không, vị Tổ sư nghề đúc đồng ở nước ta.

Sống mãi nghề đúc đồng truyền thống - Ảnh 2.


Ông Lê Minh Nhâm, Trưởng Ban Quản lí di tích Đền thờ ông tổ đúc đồng thôn Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa
Thánh sư kinh lý qua đây, thấy nhân dân làng Trà Đông cần cù, chịu khó, ham học hỏi và muốn xây dựng, phát triển quê hương nên ngài đã truyền nghề... Làng nghề gắn với di tích đồ đồng lịch sử của Đông Sơn như trống đồng Đông Sơn, trống đồng Ngọc Lũ hiện nay được trưng bày ở các bảo tàng, nhà văn hóa Quốc gia cũng như các nơi trên thế giới.

 Không ai biết chính xác nghề đúc đồng ở làng Trà Đông có tự bao giờ, chỉ biết rằng thế hệ này lưu truyền sang thế khác, và mỗi một thế hệ kế tiếp, nghề đúc đồng lại có những bước phát triển mới.

Gia đình nghệ nhân ưu tú Lê Văn Bảy đã nhiều đời làm nghề đúc đồng theo phương pháp thủ công truyền thống. Mặc dù trải qua bao biến cố thăng trầm, sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, song đến nay những lò đúc đồng của gia đình anh vẫn luôn đỏ lửa, tạo việc làm ổn định cho 20 thợ lành nghề trong vùng. Các công đoạn đúc đồng theo phương pháp truyền thống diễn ra hết sức tỉ mỉ, từ khâu tìm đất sét đến khâu tạo khuôn, trang trí họa tiết. Gần 40 năm làm nghề đúc đồng, từng sản phẩm được làm ra, nghệ nhân ưu tú Lê Văn Bảy đều theo dõi sát sao. Trong các công đoạn thì việc rót đồng nung chảy vào khuôn phải được làm bởi những người thợ có kinh nghiệm, bởi đây là bước đòi hỏi sự chính xác cao.

Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Bảy, Giám đốc công ty TNHH Đúc đồng thủ công truyền thống Bảy Tuyên, làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Nghề đúc đồng thủ công truyền thống không đơn thuần là làm theo quy trình sẵn có, mà luôn đòi hỏi những người thợ phải thổi hồn vào từng sản phẩm. Để có được một sản phẩm đúc đồng đạt tiêu chuẩn, người thợ phải chú tâm, cẩn thận chau chuốt từng chi tiết. Sau khi sản phẩm đã hình thành, xong công đoạn "làm thô", người thợ phải thao tác "làm tinh", đánh bóng, chỉnh sửa để sản phẩm đảm bảo hình dáng, họa tiết theo mẫu khách hàng đặt.

Sống mãi nghề đúc đồng truyền thống - Ảnh 5.

Thời gian thực hiện các công đoạn trên tùy thuộc vào từng sản phẩm, kích thước cụ thể đi kèm. Có khi 1-2 tháng, cũng có khi đến cả năm trời. Nghề đúc đồng tuy nhiều gian nan, vất vả nhưng cũng mang lại nhiều vinh quang tương xứng với tâm huyết của người thợ.  

Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Bảy, Giám đốc công ty TNHH Đúc đồng thủ công truyền thống Bảy Tuyên, làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Cũng là nghệ nhân gắn bó lâu năm với nghề truyền thống, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu năm nay mới ngoài 50 tuổi, nhưng đã từng lập nhiều kỷ lục. Bằng tâm huyết, trí tuệ và bản lĩnh, ông đã cùng các nghệ nhân làng Trà Đông sáng tạo nên những sản phẩm đúc đồng truyền thống mang đậm dấu ấn và được tôn vinh.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu, Giám đốc công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Đông Sơn Chè Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Do tác động của kinh tế thị trường, nghề đúc đồng ở làng Trà Đông cũng có nhiều thăng trầm. Thế nhưng đến nay, các sản phẩm của làng nghề đúc đồng Trà Đông vẫn giữ thương hiệu trên thị trường. Bởi những nghệ nhân của làng luôn sáng tạo không ngừng, thay đổi mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các sản phẩm của làng nghề ngày càng tinh xảo và có sức cạnh tranh cao. 

Sống mãi nghề đúc đồng truyền thống - Ảnh 8.

Dưới bàn tay khéo léo và tài hoa, các nghệ nhân đã sản xuất những sản phẩm truyền thống như: trống đồng, tượng nhân vật lịch sử, lư hương, chuông cổ...Đỉnh cao nhất là đã nghiên cứu, phục dựng thành công trống đồng  theo phương pháp thủ công truyền thống sau nhiều thế kỷ bị thất truyền. Những chiếc trống đồng, đồ đồng làng Chè Đông đã vượt ra khỏi lũy tre làng, mang theo niềm tự hào của người dân " Kẻ Chè", góp phần làm nên diện mạo mới cho làng nghề.

Anh Lê Minh Đạo, Chủ cơ sở đúc đồng Đạo Thúy, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Hiện nay, trên địa bàn xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa có 132 cơ sở làm nghề đúc đồng, chiếm 35,2% số hộ trong làng. Nghề đúc đồng truyền thống đã tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương. Ở Trà Đông, nhiều hộ gia đình nhờ nghề truyền thống cũng đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, có đời sống kinh tế khá giả.

Sống mãi nghề đúc đồng truyền thống - Ảnh 10.

Với những giá trị tiêu biểu, năm 2018, nghề đúc đồng truyền thống của làng Trà Đông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những sản phẩm của người thợ đúc đồng Trà Đông đã góp phần lưu giữ hồn cốt văn hóa nghìn đời, góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam thêm phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Nguồn: Ký sự Nhất Nghệ tinh Tháng 12/2021