Sống mãi nghề đúc đồng truyền thống

Xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa không chỉ nổi tiếng là vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi sinh ra những anh hùng hào kiệt, giàu truyền thống cách mạng mà còn vang danh với làng nghề đúc đồng truyền thống: làng Chè, nay có tên gọi là làng Trà Đông.

Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 12km về phía Tây, làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa là một vùng đất giàu truyền thống với nghề đúc đồng nổi tiếng. Trải qua bao thăng trầm nhưng làng nghề vẫn luôn "đỏ lửa", những nghệ nhân nơi đây vẫn luôn tất bật cho ra đời những sản phẩm tinh xảo phục vụ nhu cầu của khách hàng muôn phương.

Sống mãi nghề đúc đồng truyền thống- Ảnh 1.

Nghề đúc đồng cổ truyền Trà Đông đã có lịch sử cả nghìn năm và được bảo tồn, phát huy cho tới ngày nay. Dưới bàn tay khéo léo và tài hoa, các nghệ nhân đã khôi phục những sản phẩm truyền thống như đúc trống đồng, chiêng đồng, đúc tượng đồng, đồ thờ, lư hương... và đỉnh cao nhất là nghệ thuật đúc trống đồng Đông Sơn với những hoa văn, họa tiết tinh xảo theo đúng kiểu dáng xưa.

Nghề đúc đồng truyền thống không đơn thuần là làm theo quy trình sẵn có, mà luôn đòi hỏi những người thợ phải thổi hồn vào từng sản phẩm. Để có được một sản phẩm đúc đồng đạt tiêu chuẩn, người thợ phải chú tâm, cẩn thận chau chuốt từng chi tiết. Sau khi sản phẩm đã hình thành, xong công đoạn "làm thô", người thợ phải thao tác "làm tinh", đánh bóng, chỉnh sửa để sản phẩm thực sự có chất lượng cao và tinh xảo.

Sống mãi nghề đúc đồng truyền thống- Ảnh 2.

Nổi bật trong số các nghệ nhân đúc đồng truyền thống là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu. Suốt hơn mấy chục năm qua, ông cùng một số nghệ nhân tâm huyết trong làng đã góp sức, khơi dậy nghề đúc đồng truyền thống. Bằng kỹ thuật điêu luyện, sự sáng tạo không ngừng nghỉ, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu đã chế tác nhiều tác phẩm độc đáo và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận. Tác phẩm đầu tiên của ông được xác lập kỷ lục là chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam, với đường kính 2,3m, được đặt ngay ở cổng của gia đình, cạnh đường dẫn vào làng nghề đúc đồng Trà Đông.

Ông Nguyễn Bá Châu, nghệ nhân đúc đồng làng Trà Đông

Hơn nửa thế kỷ theo đuổi cái nghề đòi hỏi nhiều công phu và tâm huyết, với nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu, việc "sống lại" nghề đúc đồng cũng chính là sự tri ân đối với tổ nghề của các thế hệ cháu con. Đối với ông, nghề đúc đồng không chỉ là một nghề mưu sinh, mà nó còn chứa đựng những giá trị văn hoá lâu đời, là nghề cha truyền con nối. Bằng niềm đam mê và trách nhiệm, ông và các nghệ nhân trong làng đã và đang dày công gìn giữ và bảo tồn nghề đúc đồng truyền thống, để nghề không bị mai một theo thời gian. Hiện nay, xưởng đúc đồng của gia đình ông luôn "đỏ lửa" với những người thợ, người học trò ham mê học hỏi.

Sống mãi nghề đúc đồng truyền thống- Ảnh 3.

Ngoài ra, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu còn rất tự hào khi đã xây dựng được một khu trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề khang trang, có mô hình về quy trình sản xuất. Khách đến tham quan có thể mãn nhãn và thêm hiểu, thêm yêu những giá trị lịch sử, nét văn hóa truyền thống qua những sản phẩm đồng được đúc thủ công.

Do tác động của kinh tế thị trường, nghề đúc đồng ở làng Trà Đông cũng có nhiều thăng trầm. Thế nhưng đến nay, các sản phẩm của làng nghề đúc đồng Trà Đông vẫn giữ thương hiệu trên thị trường. Bởi, những nghệ nhân của làng luôn sáng tạo không ngừng, thay đổi mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các sản phẩm của làng nghề ngày càng tinh xảo và có sức cạnh tranh cao.

Sống mãi nghề đúc đồng truyền thống- Ảnh 4.
Sống mãi nghề đúc đồng truyền thống- Ảnh 5.
Sống mãi nghề đúc đồng truyền thống- Ảnh 6.

Dưới bàn tay khéo léo và tài hoa, các nghệ nhân đã làm nên những sản phẩm truyền thống như: trống đồng, tượng nhân vật lịch sử, lư hương, chuông cổ... Đáng chú ý, các nghệ nhân trong làng đã nghiên cứu, phục dựng thành công trống đồng theo phương pháp thủ công truyền thống sau nhiều thế kỷ bị thất truyền. Những chiếc trống đồng, đồ đồng làng Trà Đông đã vượt ra khỏi lũy tre làng để vào Nam ra Bắc, mang theo niềm tự hào của người dân " Kẻ Chè", góp phần làm nên diện mạo mới cho làng nghề.

Ông Đỗ Đức Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa

Khách du lịch đến với làng Trà Đông không chỉ để tham quan các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh mà trên hết là để thưởng ngoạn tinh hoa nghề của những nghệ nhân với bàn tay khéo léo, tài hoa cùng những bí kíp nghề quý giá được trao truyền qua nhiều thế hệ.... Bên cạnh đó, khách du lịch khi đến với làng nghề còn có thể trải nghiệm, tham gia vào một số công đoạn chế tác ra các sản phẩm như: Trống đồng, tranh đồng, chiêng đồng, tượng đồng, đồ thờ… để hiểu rõ thêm về văn hóa làng nghề.

Với những giá trị tiêu biểu mang chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa, năm 2018, nghề đúc đồng truyền thống của làng Trà Đông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những sản phẩm của các nghệ nhân đúc đồng Trà Đông đã góp phần lưu giữ hồn cốt văn hóa nghìn đời, góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam thêm phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhờ sự đam mê, tâm huyết của các nghệ nhân, trải qua bao thăng trầm, nghề đúc đồng truyền thống của làng Trà Đông vẫn phát triển cho đến hôm nay. Những chiếc trống đồng, cồng chiêng, tượng đồng, đồ thờ tự... hội tụ nét đẹp văn hóa nghệ thuật và tinh hoa của nghề đúc đồng cổ truyền, làm nên linh hồn cho một mảnh đất giàu truyền thống, khẳng định sức sống của một làng nghề nổi tiếng xứ Thanh.

Nguồn: Chuyên mục Văn hóa xã hội/TTV