Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm

Những năm gần đây, nhiều cơ sở và hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường sử dụng các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học thay thế thuốc kháng sinh để chăm sóc, bảo vệ tôm, qua đó góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường cho ao nuôi, tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao chất lượng con tôm.

Với diện tích trên 1.000m2 ao nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, thay vì sử dụng các loại kháng sinh như trước đây, ông Lê Văn Cường đã sử dụng men vi sinh để xử lý đáy ao, làm sạch nguồn nước. Nhờ đó, con tôm có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, năng suất cao. Từ đầu năm 2022 đến nay, ông đã nuôi thành công 2 lứa tôm, sản lượng trên 6 tấn, doanh thu 1,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 500 triệu đồng.

Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Cường, làng Mới, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa chia sẻ trong quá trình nuôi, ông không dùng kháng sinh cho tôm, chỉ dùng men vi sinh để cải thiện môi trường nuôi và thức ăn cho tôm luôn lấy ở những nơi có uy tín, đồng thời bổ sung thêm men tiêu hóa để cho con tôm phát triển mạnh.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 4.300 ha nuôi tôm, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng khoảng 500 ha, còn lại là nuôi tôm sú xen ghép các đối tượng con nuôi khác. Trước đây, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh và hóa chất để xử lý ao nuôi, xử lý nguồn nước và chăm sóc, chữa bệnh cho tôm diễn ra khá phổ biến. Điều này khiến môi trường nuôi dễ bị ô nhiễm, tồn dư chất cấm trong con tôm thương phẩm cao, ảnh hưởng đến giá trị và thị trường xuất khẩu.

Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm - Ảnh 3.

Trước thực trạng đó, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị chức năng và chính quyền các địa phương tuyên truyền, phổ biến cho người nuôi về tác hại của việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh; đồng thời hướng dẫn họ sử dụng các chế phẩm sinh học một cách hợp lý vào các công đoạn của quy trình nuôi tôm. Nhờ đó, đến nay phần lớn các hộ nuôi tôm đã sử dụng men vi sinh, các loại chế phẩm sinh học để thay thế thuốc kháng sinh, đã hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường ao nuôi, kiểm soát được dịch bệnh, cho năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm - Ảnh 4.

Ông Vũ Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa

Ông Vũ Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa cho biết: "Một số loại kháng sinh Bộ Nông nghiệp đã cấm không được phép lưu hành thì trong doanh mục bà con không được phép sử dụng. Việc sử dụng kháng sinh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như sau này tôm còi cọc, chậm lớn, giá thành tôm sẽ cao hơn và chi phí sử dụng kháng sinh cũng rất đắt, rất cao và dư lượng tồn đọng lại nó ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ xuất khẩu, bà con nên ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh để nuôi tôm thì nó mới an toàn bền vững được".

Ứng dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng đang được xem là một giải pháp hỗ trợ giúp người nuôi ổn định và phát triển bền vững. Do vậy, biện pháp này đang ngày càng được nhiều người dân và các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh ứng dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả rõ rệt.


Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 28.8