Sức sống mới ở làng dân tộc Dao huyện Cẩm Thủy

23:21 - 05/01/2024

Những năm qua, với sự hỗ trợ từ các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, nhiều bản làng vùng dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa đang từng ngày đổi thay, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Bản làng của người Dao ở huyện Cẩm Thủy là một ví dụ.

Cẩm Thủy là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống là Kinh, Mường, Dao. Trong đó, đồng bào dân tộc Dao có khoảng 3.540 người, ở tại các xã: Cẩm Bình, Cẩm Liên, Cẩm Châu và thị trấn Phong Sơn. Trong những năm qua, cùng với các dân tộc thiểu số khác ở xứ Thanh, đồng bào Dao ở Cẩm Thủy luôn nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng đời sống mới.

Sức sống mới ở làng dân tộc Dao huyện Cẩm Thủy- Ảnh 1.

Làng Phú Sơn, xã Cẩm Châu là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Dao quần chẹt. Khoảng 10 năm trước, đời sống của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Sau khi nhiều chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai, diện mạo nông thôn mới ngày càng hiện hữu rõ nét ở nơi đây.

"Con đường nông thôn mới" vừa được hoàn thành ở làng Dao Phú Sơn, xã Cẩm Châu đã thay thế con đường trước kia chỉ toàn bùn đất, sỏi đá. Con đường này là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự đồng lòng của bà con Nhân dân trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới.

Sức sống mới ở làng dân tộc Dao huyện Cẩm Thủy- Ảnh 2.

Sự thay đổi rõ nét nhất ở những làng Dao hôm nay chính là thay đổi về tư duy sản xuất, về nếp nghĩ cách làm. Từ đó mà ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Phùng Thị Oanh ở làng Phú Sơn, xã Cẩm Châu là điển hình đáng để mọi người học tập. Theo chia sẻ của chị Oanh, trước kia gia đình chị chủ yếu làm nông nghiệp nhưng thu nhập cũng chỉ đủ ăn, không có tích lũy. Nhận thấy địa phương mình có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, năm 2016, gia đình chị quyết định vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đầu tư làm kinh tế. Ban đầu, chị Oanh nuôi khoảng 50 đến 100 con lợn thịt, 30 đến 50 con gà. Sau khi có vốn, chị mở rộng quy mô trang trại, đầu tư thêm trâu, bò, ngan, ngỗng và đào ao thả cá. 

Sức sống mới ở làng dân tộc Dao huyện Cẩm Thủy- Ảnh 3.
Sức sống mới ở làng dân tộc Dao huyện Cẩm Thủy- Ảnh 4.

Trong quá trình chăn nuôi, chị Oanh luôn hướng tới mục tiêu là tạo ra các sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường. Vì thế, sản phẩm của gia đình chị luôn được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Hiện nay, mỗi năm trang trại của gia đình chị Phùng Thị Oanh mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 200 triệu đồng, từ đó chị có điều kiện sửa sang lại nhà cửa và chăm lo cho con cái tốt hơn.

Sức sống mới ở làng dân tộc Dao huyện Cẩm Thủy- Ảnh 5.

Chị Phùng Thị Oanh, làng Phú Sơn, xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa

Chị Phùng Thị Oanh, làng Phú Sơn, xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Gia đình tôi kết hợp vừa buôn bán vừa chăn nuôi, mỗi năm thu nhập được 1-2 ha keo. Gia đình có thu nhập tốt hơn, có tiền tiết kiệm, cuộc sống cũng ổn định hơn".

Chị Triệu Thị Tâm, ở thôn Đồng Thanh cũng là một trong những hộ làm kinh tế giỏi ở xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy. Nhiều năm trước, chị về làm dâu ở Đồng Thanh, kinh tế nhà chồng thuộc diện khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, vợ chồng chị Tâm bảo ban nhau tìm cách làm kinh tế để để có điều kiện chăm lo cho con cái, xây dựng gia đình ấm no. Nhận thấy địa phương chưa có nhiều mô hình trồng cây ăn quả, chị đã mạnh dạn cùng chồng ra tận tỉnh Hưng Yên để mua giống ổi lê và táo Đài Loan về trồng. 

Sức sống mới ở làng dân tộc Dao huyện Cẩm Thủy- Ảnh 6.

Sau một thời gian trồng và chăm sóc, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, vườn cây của gia đình chị Tâm đã cho thu hoạch. Táo và ổi của gia đình chị vừa ngon, đảm bảo an toàn, giá cả hợp lý nên hầu như cung không đủ cầu. Mặt khác, với sự nhạy bén trong làm ăn, chị Tâm còn đăng bán sản phẩm trên Zalo, facebook và ship đến tận tay khách hàng.

Chị Triệu Thị Tâm, Thôn Đồng Thanh, xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho biết:  "Lâu nay, tôi thấy trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế cao bằng trồng ổi và táo, kết hợp với chăn nuôi. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập được 2 lứa ổi, 1 lứa táo, kinh tế vững hơn những năm làm lúa, có dư tiền để nuôi con ăn học và đóng góp cho thôn bản". 

Có thể thấy, hiện nay, phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới đã lan rộng khắp các thôn, bản ở miền núi Thanh Hóa. Hầu như ở địa phương nào cũng xuất hiện những tấm gương làm kinh tế giỏi, những điển hình làm theo lời Bác… Họ không chỉ nỗ lực vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn có nhiều đóng góp cho làng bản, quê hương.

"Bản thân luôn học theo Bác từ những điều nhỏ nhất"- đó là tâm sự của ông Triệu Phúc Hiến - Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy. Từ những việc làm của mình, ông Triệu Phúc Hiến không chỉ trở thành một "triệu phú vườn đồi" mà còn có nhiều đóng góp đưa khu phố Ngọc Sơn ngày một phát triển.

Sức sống mới ở làng dân tộc Dao huyện Cẩm Thủy- Ảnh 7.

Thôn Ngọc Sơn, nay là Tổ dân phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy là nơi quần tụ của đồng bào Dao quần chẹt từ hàng chục năm nay. Hiện khu phố có 105 hộ với trên 500 nhân khẩu, bà con chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn.

Khoảng gần 30 năm về trước, ông Triệu Phúc Hiến là một trong 3 người đầu tiên ở thôn Ngọc Sơn được kết nạp Đảng. Sau khi thành lập Chi bộ, ông được bầu là Bí thư chi bộ của thôn. Trên cương vị mới, ông Triệu Phúc Hiến luôn trăn trở: làm thế nào để giúp bà con dân bản vươn lên thoát nghèo? Với suy nghĩ "Đảng viên phải làm gương cho bà con học tập", ông Triệu Phúc Hiến đã tận dụng lợi thế đất đai của gia đình để phát triển kinh tế. Trên diện tích 40 ha đồi rừng, ông dành 30 ha để trồng keo và 10 ha trồng cây gỗ lớn. Sau một thời gian cần cù, chịu khó gắn bó với vườn rừng, ông đã thu về mỗi năm gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng.

Sức sống mới ở làng dân tộc Dao huyện Cẩm Thủy- Ảnh 8.

Ông Triệu Phúc Hiến, Bí thư Chi bộ - Tổ trưởng Tổ dân phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa

Ông Triệu Phúc Hiến, Bí thư Chi bộ - Tổ trưởng Tổ dân phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa cho biết: "Bản thân luôn đi đầu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mục tiêu đầu tiên là để bà con Nhân dân cũng như các đồng chí đảng viên trong chi bộ để noi theo để phát triển kinh tế của gia đình. Nhiệm vụ mà Nhân dân, cấp trên giao phó tôi cũng luôn luôn để phấn đấu để hoàn thành tốt".

Ngoài ra, với vai trò là một Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu phố Ngọc Sơn, ông Triệu Phúc Hiến đã cùng với Ban quản lý khu phố, Ban Mặt trận tuyên truyền cho bà con học tập theo gương Bác Hồ, tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới. Học theo ông Hiến, nhiều gia đình ở khu phố Ngọc Sơn đã tập trung phát triển kinh tế dựa vào vườn rừng, nguồn thu mỗi năm mang lại từ 50 đến 200 triệu đồng/hộ. Khu phố Ngọc Sơn giờ đây đã xuất hiện thêm nhiều nhà ngói mới, đời sống của bà con khấm khá hơn trước, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Sức sống mới ở làng dân tộc Dao huyện Cẩm Thủy- Ảnh 9.

Nhờ có những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con các làng dân tộc Dao ở huyện Cẩm Thủy đã và đang xây dựng cuộc sống mới ngày càng tiến bộ. Đây chính là động lực, tạo niềm tin và sự phấn khởi, để bà con tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nguồn: Ký sự miền sơn cước, 5/1