Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mường ở Bá Thước

10:25 - 02/04/2023

Thực hiện Kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai có hiệu quả Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa đã mở lớp tập huấn “Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mường” huyện Bá Thước” năm 2023.

Chị Phạm Thị Hạnh người dân tộc Mường là hạt nhân văn nghệ ở các xã Điền Lư, Điền Quang, Điền Trung, Điền Thượng, Điền Hạ, huyện Bá Thước. Chị tham gia lớp tập huấn để nắm bắt và hiểu rõ hơn về giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mường, đặc biệt là được các nghệ nhân, giáo viên và nhà nghiên cứu văn hóa trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn tập luyện các làn điệu, dân ca, dân vũ, dân nhạc.

Tại lớp tập huấn, các học viên được nghệ nhân dân gian, giáo viên, nhà nghiên cứu am hiểu và trình diễn thuần thục về dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống dân tộc Mường truyền đạt các nội dung: Về vai trò, ý nghĩa của việc gìn giữ và phát huy giá trị của các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mường; hướng dẫn, duy trì và phát triển các đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ tại địa phương; sưu tầm, tư liệu hóa các làn điệu dân ca, điệu múa dân gian, nhạc cụ truyền thống dân tộc Mường; hướng dẫn tham gia giao lưu, biểu diễn, giới thiệu các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống dân tộc Mường phục vụ khách du lịch. Truyền đạt các thể loại tấu Cồng Chiêng trong Lễ hội Séc Bùa của dân tộc Mường; truyền dạy đánh diễn tấu Cồng Chiêng, Phường Bùa, Khoác Rác, một số làn điệu dân ca Ru Mường, Xường Mường và cách thức đánh trống, biểu diễn Trống Dàm…

Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mường ở Bá Thước - Ảnh 2.

Bá Thước là huyện miền núi xứ Thanh vẫn còn gìn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường. Ngay sau khi được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2020, tầm nhìn 2030", huyện Bá Thước đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch về phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Trong đó chú trọng công tác sưu tầm, khôi phục, bảo tồn, giữ gìn văn hóa phi vật thể, nhằm quảng bá, phục vụ du khách trong nước và quốc tế đến tham quan Khu du lịch Pù Luông. Huyện cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa mở các lớp tập huấn "Bảo tồn, phát triển dân ca, dân vũ dân tộc Thái, dân tộc Mường" phục vụ khách du lịch tại khu Pù Luông.

Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mường ở Bá Thước - Ảnh 3.

Dân ca, dân vũ, dân nhạc là di sản văn hóa phi vật thể ngợi ca con người, cuộc sống, cảnh vật thiên nhiên qua những điệu múa, lời ca. Tuy nhiên, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin; sự pha trộn văn hóa vùng miền khác và văn hóa ngoại lai. Do vậy, các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một, biến đổi. Tin rằng, với sự quan tâm của tỉnh và các sở, ban, ngành, đặc biệt là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa sẽ giúp huyện Bá Thước thực hiện sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Mường; góp phần khôi phục, phát triển các đội văn nghệ dân ca, dân vũ truyền thống tại các thôn, bản để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mường; đặc biệt là khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể tạo nên thương hiệu đặc trưng cho du lịch ở huyện miền núi Bá Thước.

Nguồn: Chuyên mục Trang địa phương 30/03/2023