Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp hơn

18:27 - 12/06/2022

(TTV) - Sau thời gian đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, bước sang năm 2022, chăn nuôi Thanh Hóa đã có nhiều khởi sắc. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ. Cơ cấu chăn nuôi được chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và theo chuỗi gia trị, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng, tăng tính canh tranh trên thị trường.

 

Đến nay, Thanh Hóa đã thu hút được 69 tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Nhiều hợp tác xã, chủ trang trại cũng đầu tư mở rộng chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Toàn tỉnh đã có 39 cụm, khu chăn nuôi tập trung ở tại các địa phương. 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án chăn nuôi lợn và gà công nghệ cao. Bên cạnh chăn nuôi lợn và gia cầm ngày càng được mở rộng, việc phát triển các con nuôi đặc sản, phát triển đàn bò sữa ổn định. Ngoài Công ty bò sữa Vinamilk có 3 trang trại với tổng đàn 12 nghìn con, Tập đoàn TH true Milk cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô 20 nghìn con và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay… Đây là những điều kiện quan trọng để đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi. Ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết liên kết chuỗi là mô hình bền vững giữa các nhà đầu tư, chủ trang trại cũng như tập đoàn để tạo ra sản phẩm liên kết với việc tiêu thụ, tránh việc mất giá, ứ đọng.  

Việc tăng cường phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn, liên kết chăn nuôi theo chuỗi gắn với tiêu thụ, kiểm soát tốt dịch bệnh đang tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa và đủ điều kiện xuất khẩu. Đây cũng là hướng đi phù hợp để Thanh Hóa thực hiện có hiệu quả  tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững hơn.

Theo Thanh Tâm - Thanh Văn

Bản tin 18h30' ngày 12/6