Tái đàn vật nuôi theo nhu cầu thị trường

20:07 - 17/02/2025

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định tổng đàn, giá bán cao trong thời gian qua, đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho các hộ chăn nuôi. Ngay sau Tết, các chủ trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tái đàn theo nhu cầu thị trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tết Nguyên Đán vừa qua, gia đình anh Nguyễn Ngọc Tuyên, ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân xuất bán hơn 2000 con gà với giá 65 nghìn đồng 1 kg. Do giống gà chọi thuần được thị trường ưa chuộng, dễ bán, giá cao nên sau Tết, anh Tuyên đã mua 1.500 con để tái đàn, thay thế giống gà cũ. Vì đây là lứa đầu tiên nuôi giống gà mới nên trang trại sẽ không tăng đàn ồ ạt mà nắm bắt thời điểm để phát triển chăn nuôi hợp lý.

Tái đàn vật nuôi theo nhu cầu thị trường- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Ngọc Tuyên, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Năm nay chăn nuôi khó khăn nên nghiên cứu kỹ về cả con giống để phù hợp với thị trường, đáp ứng thị hiếu khách hàng và khả năng tái đàn của gia đình, đầu năm vào giống mức độ vừa phải, số lượng giảm một chút để tránh tình trạng cung vượt cầu".

Cũng như gia đình anh Tuyên, thời điểm này, hầu hết các hộ chăn nuôi trong tỉnh đều đã tái đàn sản xuất lứa mới. Với kinh nghiệm chăn nuôi, các chủ trang trại, gia trại đều chọn mua con giống ở các cơ sở sản xuất uy tín trong và ngoài tỉnh, được kiểm soát nguồn bệnh trước khi nhập đàn.

Tái đàn vật nuôi theo nhu cầu thị trường- Ảnh 2.

Từ năm 2024 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã giảm, trong khi giá bán ra ổn định nên đã khuyến khích các hộ đầu tư duy trì và phát triển tổng đàn. Để hạn chế tình trạng cung vượt cầu, các trang trại, gia trại đã chăn nuôi "gối lứa" chứ không ồ ạt. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến, nhu cầu thị trường để tái đàn với quy mô phù hợp theo quy hoạch từng địa phương.

Tái đàn vật nuôi theo nhu cầu thị trường- Ảnh 3.

Ông Đỗ Văn Tiến, Chủ tịch Hội nông dân xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Ông Đỗ Văn Tiến, Chủ tịch Hội nông dân xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trước khi tái đàn chúng tôi yêu cầu các hộ tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, công tác vệ sinh môi trường, chọn giống chuẩn, theo quy hoach của địa phương chứ không ồ ạt, gây khó khăn trong chăn nuôi".

Những tháng đầu năm, thời tiết thay đổi, sức đề kháng của vật nuôi giảm nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Do vậy, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương trong tỉnh đang hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi tái đàn an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tổng đàn trâu bò đạt hơn 400.000 nghìn con, đàn lợn trên 1,4 triệu con, đàn gia cầm 28 triệu con.

Tái đàn vật nuôi theo nhu cầu thị trường- Ảnh 4.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối 17/2