Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh

23:09 - 17/11/2023

Theo thông tin từ Cục Thú y, tình hình bệnh dại động vật trên cả nước đang diễn biến rất phức tạp với 213 ổ dịch tại 31 tỉnh, thành phố làm 72 người tử vong. Tại Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay đã xuất hiện 3 ổ dịch tại huyện Thạch Thành và Như Xuân làm 1 người tử vong. Để chủ động ngăn chặn bệnh Dại bùng phát trên toàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu:

Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả, đạt các mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ sau:

1. Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về bệnh Dại đến cộng đồng dân cư; công khai địa chỉ các cơ sở y tế và hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, ngăn ngừa tử vong do bệnh Dại; nâng cao trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn và ý thức cộng đồng trong việc giám sát, phát hiện kịp thời trường hợp động vật nghi mắc bệnh Dại, không để chó chạy rông, tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ cho vật nuôi và tuân thủ đeo rọ mõm cho chó, có người dắt khi đi ra ngoài.

Các địa phương khẩn trương hoàn thành tiêm vắc xin dại đợt 2 năm 2023, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ đạt thấp như Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân và Như Xuân; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn y tế và thú y chuẩn bị đầy đủ huyết thanh kháng dại để phục vụ điều trị dự phòng; chủ động kinh phí phòng chống dịch và vật tư, hóa chất cần thiết

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống bệnh Dại; duy trì hoạt động của các đoàn công tác, đội phản ứng nhanh nhằm hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện.

3. Sở Y tế chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, phát hiện và điều trị bệnh, chia sẻ thông tin, công khai địa chỉ các cơ sở y tế, ngăn ngừa tử vong do bệnh Dại.

4. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền tới cộng đồng về bệnh Dại.

5. Các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia cầm và các bệnh lây lan từ động vật sang người theo chức năng, nhiệm vụ được giao và địa bàn phân công phụ trách tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch.

Nguồn: Bản tin cuối ngày 17/11/2023