Tăng cường các giải pháp ngăn chặn xâm lấn đất rừng

11:31 - 13/11/2023

Thời gian qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá xuất hiện tình trạng người dân tự ý xâm lấn đất rừng phòng hộ để trồng rừng. Mặc dù các cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương đã tích cực vào cuộc để ngăn chặn, xử lý, nhưng tình trạng xâm lấn đất rừng phòng hộ vẫn diễn ra.

Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Thanh Hoá, 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 181 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó lấn chiếm đất rừng là 43 vụ, giảm 5 vụ so với năm 2022, chủ yếu ở địa bàn huyện Thường Xuân, Bá Thước, Như Xuân và Quan Sơn.

Trên thực tế, rừng bị xâm lấn thường xảy ra ở các khu vực có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, ít người qua lại. Hiện trạng chồng lấn ranh giới giữa các loại rừng là nguyên nhân gây khó khăn cho công tác quản lý. Cùng với đó là năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm của một số chủ rừng chưa cao. Dẫn đến tình trạng người dân xâm canh trồng cây vào diện tích của các chủ rừng.

Tăng cường các giải pháp ngăn chặn xâm lấn đất rừng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá

Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá, cho biết: "Nếu phát hiện các vụ vi phạm, chúng tôi đều phối hợp thông báo ngay cho các cơ quan chức năng lập biên bản xử lý nghiêm. Việc xâm lấn rừng rất dễ gây cháy bởi khu vực giáp ranh gần, gây thất thoát tài nguyên rừng".

Tình trạng xâm lấn rừng được thực hiện trong thời gian dài bằng cách trồng các cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế dưới tán rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh trên một diện tích nhỏ và khi cây lớn, người dân chặt bỏ dần các cây gỗ tầng trên, từ đó, đất trở thành đất canh tác trồng rừng của người dân.

Tăng cường các giải pháp ngăn chặn xâm lấn đất rừng- Ảnh 2.

Nhằm ngăn chặn hiệu quả việc xâm lấn rừng, bảo vệ tốt rừng phòng hộ, ngành Kiểm lâm Thanh Hoá đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng, Công an và UBND các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng. Tập trung vận động các hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ bỏ việc phát rừng làm rẫy gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng; áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý rừng; tích cực tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời các vụ việc xâm lấn đất rừng.

Tăng cường các giải pháp ngăn chặn xâm lấn đất rừng- Ảnh 3.

Tăng cường các giải pháp ngăn chặn xâm lấn đất rừng- Ảnh 4.

Ông Lại Thế Chiến - Phó trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hoá, cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi tham mưu cho ngành chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra rà soát có bản đồ quản lý cụ thể, vận động ngưởi dân tố giác để xử lý răn đe".

Thượng tá Đỗ Ngọc Sơn - Chính trị viên đồn Biên phòng Tam Chung, huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hoá, cho biết: "Các tuyến biên giới rất dễ xảy ra tình trạng vi phạm xâm lấn rừng, do đường đi khó khăn ít quan sát được, chúng tôi sẽ tập trung phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, vẫn rất khó nếu đời sống người dân còn thu nhập thấp, họ rất đễ vi phạm".

Tăng cường các giải pháp ngăn chặn xâm lấn đất rừng- Ảnh 5.

Để hạn chế tình trạng xâm lấn đất rừng, trong kế hoạch 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, UBND tỉnh thực hiện một số chính sách như: quy hoạch lâm nghiệp phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo đó, diện tích đất rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển thành đất sản xuất để thực hiện giao đất, giao rừng cho bà con có đất sản xuất, giảm tình trạng lấn chiếm đất rừng đặc dụng, phòng hộ để sản xuất, đề xuất đóng cọc mốc các loại rừng.

Nguồn: Bản tin THNM 13/11/2023