Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa

Tỉnh Thanh Hóa có 1,5% dân số là đồng bào dân tộc Mông, với gần 3.700 hộ, sinh sống tập trung ở 44 bản, thuộc 10 xã của 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn. Thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 684 ngày 10/12/2021 "về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025". Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp tục được nâng lên; công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông có chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Xác định công tác Dân vận là "chìa khóa" quan trọng để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh và cấp ủy các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn đã tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nói chung, dân tộc Mông nói riêng. Cùng với đó, vận động đồng bào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa mới; phòng, chống tai tệ nạn xã hội; không di cư tự do, vượt biên trái phép; không tham gia các hoạt động tôn giáo trái pháp luật.

Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 2.

Ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát

Ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: "Trước hết về mặt nhận thức của đồng bào Mông trên địa bàn huyện Mường Lát có nhiều thay đổi về nếp ăn, nếp nghĩ, cách làm. Bà con dần dần bỏ thói quen, hủ tục lạc hậu trong đời sống. Đồng bào Mông có ý thức xây dựng an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo".

Cùng với công tác tuyên truyền vận động, việc hỗ trợ phát triển kinh tế đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Mông. Bởi vậy, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đã giao tổng vốn thực hiện năm 2022 đối với 3 huyện có đồng bào Mông là hơn 116 tỷ đồng; triển khai cấp điện cho 14 thôn, bản của 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Các địa phương đã vận động Nhân dân thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bà con người Mông được hỗ trợ phát triển đàn gia súc, trồng cây gai xanh, trồng rừng, làm lúa nước, từ đó giảm nghèo hiệu quả.

Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 3.

Huyện Quan Hóa có 2 bản đồng bào Mông sinh sống là bản Suối Tôn, xã Phú Sơn và bản Buốc Hiềng, xã Trung Thành, với 80 hộ, 465 nhân khẩu. Thực hiện Kết luận số 684 ngày 10/12/2021 "về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025", cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và tập trung các nguồn lực hỗ trợ các bản Mông như: sắp xếp ổn định chỗ ở dân cư, phát triển nông lâm nghiệp và bảo vệ rừng, đầu tư đường nước sinh hoạt, sửa chữa nhà văn hóa, xây dựng phòng học... Mặt trận tổ quốc huyện Quan Hóa đã hỗ trợ làm 3 nhà đại đoàn kết cho đồng bào Mông ở bản Suối Tôn, xã Phú Sơn.

Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 4.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác Dân vận, hướng về cơ sở, 3 huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa đã xây dựng được các mô hình "Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ", "Chính quyền Dân vận khéo" ở những xã có đông đồng bào dân tộc Mông. Các mô hình này đã góp phần quan trọng cải cách hành chính, tạo sự thay đổi rõ rệt trong tư duy, nhận thức và trách nhiệm của chính quyền các cấp, hướng đến nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tất cả vì Nhân dân phục vụ. 

Các huyện cũng quan tâm kiện toàn, bố trí đủ cán bộ trong hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở vùng đồng bào Mông; coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các khối, tổ dân vận, ban công tác mặt trận, ban giám sát đầu tư cộng đồng, ban thanh tra Nhân dân trong vùng đồng bào Mông. Ông Hà Văn Thủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa cho biết: "Cho đến nay cơ bản các mục tiêu theo kế hoạch chúng tôi đã đạt được. Thứ nhất phổ biến tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức trong đời sống sinh hoạt. Thứ hai tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy. Tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình nước sạch".

Các lực lượng vũ trang đóng quân trong vùng đồng bào Mông luôn xác định: công tác tuyên truyền, vận động có vai trò đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay, bởi vậy cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ là người dân tộc Mông vào những vị trí phù hợp, làm nòng cốt trong công tác dân vận. Hiện nay Công an tỉnh có 23 cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc Mông, được bố trí công tác tại 2 huyện Quan Hóa và Mường Lát. 

Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 5.

Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phân công cho 79 đảng viên phụ trách 379 hộ gia đình ở 41 bản Mông, tham gia sinh hoạt Đảng ở các chi bộ bản; thực hiện 3 bám (bám bản, bám chính quyền, bám chủ trương, chính sách), 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào). Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thành lập 5 tiểu đội dân quân thường trực tại các xã biên giới, bố trí 12 quân nhân là người dân tộc Mông tham gia các lớp đào tạo chuyên môn, hạ sĩ quan, trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp ngành Quân sự. Ông Sùng A Páo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trung Lý, huyện Mường Lát cho biết: "Xã Trung Lý có 60% là đồng bào dân tộc Mông. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã, biên phòng, công an, các lực lượng xuống tận bản để tuyên truyền. Phân công mỗi người một chuyên đề. Đưa tất cả nội dung tuyên truyền về bà con".

Đồng bào dân tộc Mông thường sinh sống ở những nơi địa hình hiểm trở, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự. Bởi vậy, các lực lượng chức năng đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo, an ninh biên giới, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để bà con chấp hành tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, không tin, nghe kẻ xấu.

Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa - Ảnh 6.

Đến nay, các huyện đang duy trì 4 đội công tác liên ngành công an, quân sự, biên phòng tại 28 bản trọng điểm vùng đồng bào Mông. Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã bắt giữ 74 vụ với 106 đối tượng vận chuyển trái phép ma túy; tập trung các biện pháp kiểm danh, kiểm diện, nắm tình hình, ngăn chặn tuyên truyền tôn giáo trái pháp luật... Qua đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Ông Phạm Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa

Đến nay, đồng bào dân tộc Mông đã nhận thức rõ hơn về những hủ tục còn tồn tại trong đời sống và đang từng bước xóa bỏ. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thách cưới, tổ chức ma chay kéo dài đang giảm dần. Bà con tích cực xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn. Những đổi thay này có vai trò quan trọng của công tác Dân vận, cùng sự nỗ lực từng ngày, từng giờ của đồng bào Mông với khát vọng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Nguồn: Chuyên mục Đưa Nghị quyết vào cuộc sống ngày 19.1.2023