Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng ở miền núi Thanh Hóa

Thanh Hóa hiện có gần 650 nghìn ha rừng, chiếm trên 53% diện tích đất tự nhiên, trong đó, có gần 400 nghìn ha là rừng tự nhiên, gần 25 nghìn ha rừng trồng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 54%. Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, những năm qua, công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh nói chung, tại 11 huyện miền núi nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Gia đình ông Vi Văn Piên, ở bản Hậu, là một trong những hộ tiêu biểu về phát triển rừng ở xã Tam Lư, huyện Quan Sơn. Với 6 ha đất rừng, để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông đã cải tạo diện tích rừng nghèo kiệt để trồng mới 3 ha vầu và 2 ha luồng. Việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng trong những năm qua đã giúp cho gia đình ông phát huy được tiềm năng, lợi thế từ đất rừng. Hàng năm, gia đình ông Piên có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề rừng.

Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng ở miền núi Thanh Hóa - Ảnh 2.

Ông Vi Văn Piên, Bản Hậu, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhờ tập trung trồng rừng nên đến nay, gia đình chúng tôi đã có thu nhập từ rừng rất ổn định. Không chỉ nâng cao đời sống mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái rừng".

Những năm gần đây, xã biên giới Tam Lư có hàng trăm hộ gia đình tham gia trồng, chăm sóc và thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đến nay, xã Tam Lư có độ che phủ rừng đạt trên 95%. Toàn xã có trên 5.000 ha cây lâm nghiệp, trong đó cây vầu trên 4.000 ha. Hơn 90% hộ dân thu nhập chủ yếu từ trồng vầu, với mức từ 50 đến 80 triệu đồng/1ha/năm. Nhờ phát triển mạnh kinh tế từ cây vầu, năm 2018, xã Tam Lư đã trở thành xã biên giới đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa xây dựng thành công nông thôn mới. Hiện nay, thu nhập bình quân của xã đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Kinh tế rừng đang góp phần giảm nghèo và nâng cao mức sống cho người dân.

Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng ở miền núi Thanh Hóa - Ảnh 3.

Ông Vi Văn Thạnh, Chủ tịch UBND xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Vi Văn Thạnh, Chủ tịch UBND xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay, rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nhiều hộ dân. Vì thế chúng tôi luôn coi việc phát triển và bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng, từ đó làm tốt công tác bảo vệ rừng nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu về phát triển lâm nghiệp trên địa bàn".

Huyện Quan Sơn có trên 85 nghìn ha đất rừng. Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND các xã rà soát những khu vực trọng điểm về an ninh rừng, xây dựng và triển khai phương án bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ"; phối hợp với các địa phương thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Một trong những bước đột phá trong quản lý, bảo vệ rừng ở Quan Sơn, đó là huyện đã áp dụng thí điểm chương trình chuyển đổi từ quản lý rừng truyền thống sang quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC). Đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị của rừng cũng như nâng cao trình độ quản lý rừng, tiếp cận với trình độ chung của thế giới.

Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng ở miền núi Thanh Hóa - Ảnh 4.

Ông Hà Văn Tựng, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Là xã giáp biên có diện tích rừng lớn, người dân chủ yếu sống từ nghề rừng; xác định được mục tiêu quan trọng của rừng nên trong thời gian qua chúng tôi đã đẩy mạnh nhiều biện pháp phát triển rừng bền vững. Bên cạnh đẩy mạnh việc trồng rừng, chúng tôi còn thực hiện tốt công tác bảo vệ".

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Quan Sơn sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân và các địa phương phát triển lâm nghiệp bền vững; phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư vào hoạt động phát triển rừng. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, đó là đến năm 2025, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 90%.

Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng ở miền núi Thanh Hóa - Ảnh 5.

Bá Thước là một trong số những huyện có diện tích rừng lớn của tỉnh Thanh Hóa với gần 54 nghìn ha, chủ yếu là rừng tự nhiên. Thời gian qua, huyện đã ban hành chương trình kiểm tra, giám sát, kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng về: "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng" đối với các xã trên địa bàn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) cũng xác định: "Phát triển lâm nghiệp một cách toàn diện và bền vững, gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện". Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện Bá Thước đã chỉ đạo quyết liệt, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ phát triển rừng.

Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Xã Thành Lâm, huyện Bá Thước là một trong những địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nằm trong khu vực rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và huyện bằng những giải pháp bảo vệ rừng, triển khai hiệu quả việc phòng chống cháy rừng vào mùa nắng nóng.

Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng ở miền núi Thanh Hóa - Ảnh 7.

Thực tế bảo vệ và phát triển rừng tại một số huyện miền núi cho thấy: các địa phương đã chủ động xây dựng nhiều Nghị quyết, đề án, nghiên cứu tham mưu cho cấp trên ban hành các cơ chế chính sách cụ thể về bảo vệ phát triển rừng theo hướng bền vững. Trong đó phát huy vai trò nòng cốt của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả với các ban ngành, đơn vị và các chủ rừng, đặc biệt làm tốt công tác tuyên truyền vận động Nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong bảo vệ, phát triển rừng. Từ đó góp phần tăng độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh; bảo vệ cảnh quan môi trường, sinh thái; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển du lịch cộng đồng và góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh.

Nguồn: Chuyên mục Câu chuyện vùng cao, 9/2023