Tăng cường giám sát, phát hiện bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở

Bệnh không lây nhiễm được xem là những loại bệnh tiến triển âm thầm, khó phát hiện sớm nếu không có khám sức khỏe định kỳ và khám sàng lọc tại cộng đồng. Trong những năm gần đây, các bệnh không lây nhiễm tăng mạnh tại nhiều địa phương, việc tăng cường giám sát, phát hiện bệnh không lây nhiễm tại cơ sở có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý, điều trị, giảm rủi ro và gánh nặng gây ra bởi căn bệnh này.

Mặc dù đường xá đi lại khó khăn, mỗi nhà dân ở cách xa nhau nhưng cán bộ Trạm Y tế xã Trí Nang, huyện Lang Chánh đã không quản mưa nắng định kỳ đến tận nhà thăm bệnh nhân của mình. Dù chỉ là để hỏi thăm dăm ba câu về sức khỏe, nhắc nhở việc dùng thuốc đúng giờ hay đo lại cái huyết áp cho bệnh nhân….nhưng họ đã giúp cho bệnh nhân của mình có sức khỏe ổn định, yên tâm điều trị bệnh.

Tăng cường giám sát, phát hiện bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở - Ảnh 2.

Huyện Lang Chánh hiện đang quản lý trên 700 bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính không lây, hiện tại các bệnh nhân này được quản lý theo dõi tại các Trạm y tế. Để quản lý tốt những bệnh nhân này, Trung tâm Y tế luôn luôn hỗ trợ các trạm y tế để có phương án tối ưu trong khám sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý theo dõi tại địa phương.

Ở huyện Cẩm Thủy, việc khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh không lây luôn được quan tâm và triển khai theo định kỳ. Người dân đến đây được cán bộ y tế thăm khám, nhằm phát hiện sớm các bệnh mãn tính không lây để sớm có biện pháp điều trị. Bệnh nhân chủ yếu mắc các bệnh về tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mãn tính….và sẽ được Trạm y tế làm bệnh án theo dõi điều trị.

Tăng cường giám sát, phát hiện bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở - Ảnh 3.

Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, rối loạn tâm thần... có xu hướng ngày càng gia tăng. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người bệnh và là gánh nặng về kinh tế cho gia đình, xã hội. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống các BKLN, ngành y tế đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, làm tốt công tác dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị các BKLN tại cơ sở.

Theo số liệu thống kê của Khoa Phòng chống BKLN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có khoảng 130 ngàn bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Số thực tế được phát hiện thông qua các hoạt động tầm soát bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng còn hạn chế. Hiện bệnh nhân mắc đái tháo đường đang được quản lý, tư vấn và cấp thuốc điều trị chiếm tỷ lệ hơn 90%; tổng số bệnh nhân tăng huyết áp đang được quản lý, khám và cấp thuốc điều trị chiếm tỷ lệ hơn 82%. Trong đó, số bệnh nhân được quản lý tại trạm y tế rất thấp so với số lượt người trong tỉnh được phát hiện bệnh.

Tăng cường giám sát, phát hiện bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở - Ảnh 4.

Để tăng cường hiệu quả công tác dự phòng, phát hiện và quản lý BKLN tại cộng đồng, Ngành Y tế đang tiếp tục củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống BKLN các tuyến, đặc biệt là tại các trạm y tế để tăng tỷ lệ phát hiện sớm; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến về dự phòng và quản lý BKLN, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở.

Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép gồm bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm (KLN) trong đó các bệnh KLN đang gia tăng ngày càng trầm trọng, đặc biệt là các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Sau Tĩnh Gia, chương trình sẽ tiếp tục được triển khai tại các địa phương trong tỉnh, với mục tiêu bệnh không lây nhiễm không còn là gánh nặng bệnh tật như hiện nay.


Nguồn: Chuyên mục y tế phát sóng ngày 5.9