Tăng cường hợp tác thúc đẩy giao thương tại Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo

21:31 - 03/02/2023

Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Lào là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Năm 2004, Cửa khẩu Na Mèo - Nậm Xôi được Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào chính thức công bố là cửa khẩu Quốc tế. Đây là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa 2 nước Việt Nam – Lào, 2 tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn cả về kinh tế, giao lưu văn hóa, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Nằm cách trung tâm Thành phố Thanh Hóa 194 km, cách trung tâm huyện Quan Sơn 53 km, cửa khẩu Na Mèo là cửa khẩu quốc tế duy nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nơi diễn ra các hoạt động giao thương chủ yếu giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh Bắc Lào. Từ khi được nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế, hoạt động giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng biên giới hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn diễn ra sôi động hơn. Trung bình hàng năm có khoảng từ 8.000 đến 10.000 lượt người xuất nhập cảnh qua lại, trao đổi hàng hóa, hợp tác làm ăn và giao lưu tình cảm.

Chợ Na Mèo được xem là trung tâm giao thương của khu vực Cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Chợ họp vào sáng thứ 7 hàng tuần, với nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và tiêu dùng của nhân dân, như vải, quần áo, hàng gia dụng và nhiều mặt hàng nông sản của người dân, thương lái Lào mang sang. Phía nước bạn Lào, chợ Cửa khẩu Quốc tế Nậm Xôi cũng thu hút nhiều tiểu thương và khách hàng đến mua bán.

Tăng cường hợp tác thúc đẩy giao thương tại Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo - Ảnh 2.

Tăng cường hợp tác thúc đẩy giao thương tại Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo - Ảnh 3.

Ông Vua Si, Cụm Nậm Xôi, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Nước CHDCND Lào

Ông Vua Si, Cụm Nậm Xôi, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Nước CHDCND Lào chia sẻ: "Cám ơn chính quyền đã tạo điều kiện thành lập chợ này để nhân dân hai bên biên giới đi lại giao thương, trao đổi hàng hóa. Đi chợ ngoài việc mua hàng hóa thiết yếu cho gia đình, tôi đến đây còn để gặp gỡ những người bạn ở Việt Nam. Đây là phiên chợ đoàn kết giữa Việt - Lào."

Tăng cường hợp tác thúc đẩy giao thương tại Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo - Ảnh 4.

Ông Lữ Văn Hà, Bí thư đảng ủy xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lữ Văn Hà, Bí thư đảng ủy xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Là xã biên giới có cửa khẩu quốc tế Na Mèo, chúng tôi coi đây là một thuận lợi rất lớn, để tạo điều kiện cho bà con giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế. Nhất là qua tại chợ biên giới Na Mèo, hàng tuần nhân dân trao đổi hàng hóa. Mặt khác tạo điều kiện cho tiểu thương xuất khẩu sang bạn và ngược lại. Nhờ vậy mà trong thời gian qua, xã đã phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững thuần lợi hơn."

Theo Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo, các mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh Thanh Hóa qua biên giới chủ yếu là vật liệu xây dựng, như: sắt, xi măng, gạch ceramic, thiết bị vệ sinh và máy móc, thiết bị thi công công trình; các mặt hàng nhập khẩu là gỗ, lâm sản, nông sản. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn đạt gần 74 triệu USD, tăng 18% so với giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập nhẩu song phương đạt gần 39 triệu USD, trong đó trị giá xuất khẩu đạt trên 34,5 triệu USD; trị giá nhập khẩu đạt trên 4,3 triệu USD.

Tăng cường hợp tác thúc đẩy giao thương tại Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo - Ảnh 5.

Tăng cường hợp tác thúc đẩy giao thương tại Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo - Ảnh 6.

Ông Sinh Vông Say Su li vông Phăn, Phó Bí thư Huyện ủy Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Nước CHDCND Lào

Ông Sinh Vông Say Su li vông Phăn, Phó Bí thư Huyện ủy Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Nước CHDCND Lào cho biết thêm: "Viêng Xay là huyện nằm sát cạnh với huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cửa khẩu Quốc Tế Na Mèo có vai trò rất quan trọng, góp phần thúc đẩy các hoạt động giao thương, phát triển kinh tế xã hội của huyện Viêng Xay chúng tôi; việc đi lại buôn bán, giao thương và giao lưu văn hóa của nhân dân hai huyện, nhất là người dân các thôn, bản vùng giáp biên giới được dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều."

Tăng cường hợp tác thúc đẩy giao thương tại Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo - Ảnh 7.

Để khai thác tiềm năng, giá trị của Cửa Khẩu quốc tế Na Mèo, thời gian qua, Huyện Quan Sơn đã quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ, kêu gọi thu hút đầu tư vào địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh. Đồng thời, huyện chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế. Trong đó, chợ Cửa khẩu Na Mèo với diện tích 7.000m2, quy mô khoảng 200 điểm kinh doanh đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, đạt tiêu chuẩn chợ hạng III.

Tăng cường hợp tác thúc đẩy giao thương tại Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo - Ảnh 8.

Ông Chu Đình Trọng, Phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Chu Đình Trọng, Phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trong thời gian tới đây, huyện tiếp tục tuyên truyền và chỉ đạo để thực hiện tốt, nhằm nâng cao hiệu quả từ cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Trước mắt huyện cho đầu tư xây dựng lại khu chợ, cải trang lại một số dịch vụ. Huyện xác định xây dựng khu chợ này là một trong những động lực chính để thúc đẩy giao thương giữa hai tỉnh và giữa hai huyện Quan Sơn – Viêng Xay để đạt được hiệu quả cao nhất."

Việc khai thác, phát huy tốt vai trò và đóng góp của cửa khẩu quốc tế Na Mèo trong thời gian tới là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ của 2 tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn, mà còn là sự quan tâm của Chính phủ 2 nước Việt Nam – Lào. Một thuận lợi lớn là Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm trong quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam theo quyết định số 52 ngày 25/4/2008. Đồng thời, trong quy hoạch vùng huyện Quan Sơn đến 2045 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Na Mèo cũng được xác định là một điểm nhấn quan trọng của mô hình "một tuyến hành lang kinh tế" dọc Quốc lộ 217. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo là cần thiết trong tương lai; với kỳ vọng sẽ tạo ra cửa ngõ giao thương kinh tế - văn hóa quan trọng, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam – Lào, đồng thời tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn.

Nguồn: Chuyên mục Thông tin đối ngoại ngày 2/2/2023