Tăng cường kiểm soát, bình ổn thị trường hàng hoá

09:39 - 01/02/2024

Chỉ trong tháng 1 năm 2024, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra, phát hiện hơn 460 vụ việc vi phạm sản xuất, kinh doanh, vận chuyển mua bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Điều này cho thấy thị trường hàng hoá, đặc biệt là vào cao điểm mua sắm trước Tết nguyên đán 2024 vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Bùi Nguyễn Quỳnh Anh, ở khu phố 4, thị trấn Thọ Xuân, Đội Quản lý thị trường số 14 đã phát hiện hơn 5000 sản phẩm gồm: bim bim, cánh gà, chân vịt cay, thịt bò khô, râu mực cay… không rõ nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ số thực phẩm nhập lậu này đã bị cơ quan chức năng tiêu huỷ theo quy định.

Tăng cường kiểm soát, bình ổn thị trường hàng hoá- Ảnh 1.

Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện và thu giữ gần 2000 mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu ngay đầu tháng 1/2024. Theo nhận định của cơ quan chức năng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển mua bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp và có xu hướng gia tăng trong dịp trước Tết Nguyên đán.

Tăng cường kiểm soát, bình ổn thị trường hàng hoá- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 12, huyện Cẩm Thuỷ, huyện Bá Thước, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 12, huyện Cẩm Thuỷ, huyện Bá Thước, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Đội tập trung tuyên truyền, đa dạng bằng nhiều hình thức, trọng tâm vào hàng hoá Tết như lương thực thực, hàng tiêu dùng thiết yếu; phát hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm gian lận thương mại và tập trung kiểm tra kiểm soát thương mại điện tử, phản ứng nhanh theo chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá".

Để hạn chế hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thì việc ổn định nguồn cung và giá cả hàng hoá cũng là giải pháp rất quan trọng được các cơ quan chức năng tập trung thực hiện, nhất là vào cao điểm mua sắm hàng hoá dịp Tết. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đều đã ký cam kết không kinh doanh, sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả. Đồng thời chủ động dự trữ, đảm bảo nguồn cung, chất lượng, giá cả, đặc biệt là các mặt hàng có xu hướng tiêu dùng cao như: xăng dầu, thực phẩm, đồ uống, đồ điện tử, điện lạnh.

Tăng cường kiểm soát, bình ổn thị trường hàng hoá- Ảnh 3.

Ông Mai Thanh, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá: "Công ty đã có kế hoạch đảm bảo nguồn bán trong dịp Tết, sắp xếp nguồn nhân lực để đảm bảo công tác bán hàng diễn ra liên tục. Về giá thì chúng tôi thực hiện nghiêm theo quy định đăng ký giá công khai tại các cửa hàng xăng dầu".

Bà Nguyễn Thị Hà, Quản lý Siêu thị miền Tây Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Được sự tuyên truyền của cơ quan chức năng, cửa hàng đã ký cam kết bình ổn hàng hoá, đảm bảo chất lượng, giá cả được niêm yết rõ ràng".

Tăng cường kiểm soát, bình ổn thị trường hàng hoá- Ảnh 4.

Càng sát Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao thì diễn biến thị trường hàng hoá càng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hàng nên lựa chọn điểm kinh doanh có uy tín và phải dành thời gian đọc thông tin trên bao bì, nhãn sản phẩm để đảm bảo lựa chọn hàng hoá có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm cần báo cho cơ quan chức để được giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.


Nguồn: Bản tin THNM/TTV