Tăng cường kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm

08:53 - 07/08/2022

Trước nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm lây lan vào địa bàn tỉnh, ngành Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đang tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm để tránh nguy cơ xâm nhiễm và bùng phát dịch bệnh vào địa bàn.

Bình quân mỗi ngày, cơ sở giết mổ gia súc của gia đình anh Nguyễn Thế Tâm, phố 7, phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa giết mổ từ 15 đến 20 con lợn. Nguồn lợn được gia đình nhập từ các cơ sở, trang trại chăn nuôi lớn, có kiểm soát và xuất xứ rõ ràng. 

Tăng cường kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm - Ảnh 2.

Quy trình giết mổ của cơ sở chịu sự giám sát của cán bộ thú y địa phương và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Thanh Hóa. Việc vệ sinh khu vực giết mổ cũng được gia đình thực hiện nghiêm theo quy định để ngăn ngừa mầm bệnh.



Cơ sở tôi kết nối với các công ty chăn nuôi theo chuỗi Vietgap, Khi lợn bắt về tại cơ sở, có cơ quan thú y trực tiếp đứng, nếu như lợn từ ngoài tỉnh về được cơ quan thú y trực tiếp mở kẹp chì và kiểm tra lâm sàng từng con và đưa lợn vào khu chuồng chờ,nhốt 12 tiếng sau mới đưa lợn đến quy trình giết mổ.
Anh Nguyễn Thế Tâm- Phố 7, phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa hiện có trên 1.400 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chiếm tới 99%. Hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đều nằm trong khu dân cư, điều kiện vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế nên nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm soát chặt chẽ việc nhập con giống để tái đàn, tăng đàn tại các địa phương trong tỉnh; nguồn giống nhập từ tỉnh ngoài vào địa bàn phải có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, được kiểm dịch đầy đủ. 

Tăng cường kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm - Ảnh 3.

Chính quyền các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhất là tại các chợ, cơ sở giết mổ, điểm thu gom, để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Việc kiểm soát vận chuyển từ địa bàn ngoài tỉnh vào tỉnh thực hiện qua các chốt, các trạm kiểm dịch. Qua các trạm kiểm dịch động vật được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo theo quy định.
Ông Tống Văn Giáp- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa


Để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, Lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu bò xâm nhập, lây lan vào địa bàn Thanh Hóa, ngoài việc tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các trạm kiểm dịch, lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh tiếp tục bám sát địa bàn để tuyên truyền tới các chủ cơ sở nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hướng dẫn quy trình giết mổ an toàn, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Đồng thời, khuyến cáo người dân, khi mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm phải có nguồn gốc xuất xứ, được kiểm dịch để đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

Tăng cường kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm - Ảnh 5.

Nguồn: Bản tin THNM 7/8/2022