Tăng cường phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm cuối năm

09:46 - 07/11/2023

Thời điểm cuối năm, nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ gia súc gia cầm tăng, cùng với thời tiết giao mùa nên nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh là rất cao. Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang tích cực chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ tốt nhất cho đàn vật nuôi.

Vừa hoàn thành xong lịch tiêm phòng đợt 2, gia đình ông Lê Trí Lợi, ở xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương đang thực hiện phun tiêu độc khử trùng cho trang trại gà. 

Tăng cường phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm cuối năm - Ảnh 2.

Với quy mô gần 20 nghìn con gà mỗi lứa, gia đình ông phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, xem đây là phương pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất.

Tăng cường phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm cuối năm - Ảnh 3.

Ông Lê Trí Lợi, xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Trí Lợi, xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Dịch cúm gia cầm thường hay xuất hiện hai mùa: mùa xuân và mùa đông. Giáp mùa, gia đình tôi chấp hành tốt tiêm phòng vắc xin cho gia cầm theo định kỳ để không xảy ra dịch bệnh."

Cũng như gia đình ông Lợi, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Quảng Xương đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện. Các xã trên địa bàn huyện chú trọng làm tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm với tỷ lệ đạt gần 90%.  

Tăng cường phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm cuối năm - Ảnh 4.

Phạm Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương

Phạm Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương cho biết: "Chúng tôi nhận định thời điểm giao mùa, từ nay đến cuối năm nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh như: dịch tả lợn châu phi, dịch lợn tai xanh rất cao. Do đó, chúng tôi tăng cường một số biện pháp như tăng cường thông tin tuyên truyền cho người dân, hướng dẫn bà con cách phun hóa chất, phun tiêu độc khử trùng."

Để phòng bệnh tốt nhất cho đàn vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, trọng tâm là công tác giám sát dịch bệnh, quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, các biện pháp ứng phó khi dịch bệnh xảy ra. 

Tăng cường phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm cuối năm - Ảnh 5.

Đáng chú ý, hiện nay, 4 tỉnh giáp ranh Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều loại dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn Châu Phi nên các địa phương trong tỉnh và người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục chăn nuôi và thú y Thanh Hóa

Tỉnh Thanh Hoá hiện có gần 1,2 triệu con lợn, 195.000 con trâu, 265.000 con bò và đàn gia cầm 23 triệu con. Để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm hiệu quả, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, các hộ chăn nuôi cần chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp theo đúng hướng dẫn của ngành thú y.

Nguồn: Bản tin Thời sự THNM/TTV