Tăng cường quản lý giống cung ứng cho sản xuất vụ mùa

08:11 - 24/05/2023

Vụ mùa năm nay bà con nông dân Thanh Hóa cần khoảng 4700 tấn lúa giống các loại để gieo cấy. Hiện các doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ số lượng giống. Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chủng loại giống theo cơ cấu sản xuất, các cơ quan chuyên môn đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn giống.

Vụ mùa năm 2023, Thanh Hóa sẽ gieo trồng 114.000 ha lúa. Để tăng giá trị sản xuất, ngành Nông nghiệp xây dựng cơ cấu giống lúa theo nhu cầu thị trường. Trong đó nhóm giống lúa chất lượng cao chiếm 40 - 45% , nhóm giống lúa năng suất cao chiếm 55 - 60% diện tích gieo cấy. Đặc biệt, mở rộng diện tích sản xuất lúa nếp vụ mùa lên 9.000 ha (tăng 2.000 ha so vụ mùa 2022), trong đó hình thành 5 - 7 chuỗi sản xuất lúa nếp tập trung quy mô lớn, thông qua hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị với diện tích 2.330 ha trở lên.

Tăng cường quản lý giống cung ứng cho sản xuất vụ mùa - Ảnh 2.

Thanh Hóa hiện có khoảng 20 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa giống và phân phối qua hệ thống hàng trăm đại lý, Hợp tác xã, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Bám sát định hướng của ngành Nông nghiệp Thanh Hóa, các đơn vị sản xuất, cung ứng giống đã chủ động chuẩn bị đủ nguồn giống phục vụ nông dân gieo cấy. Đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm và tăng giá trị sản xuất.

Tăng cường quản lý giống cung ứng cho sản xuất vụ mùa - Ảnh 3.

Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chủng loại giống theo cơ cấu của tỉnh, trong thời gian này Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm soát, lấy mẫu để phân tích các lô hàng tại những đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung ứng giống, nhằm đảm bảo giống lúa đến tay bà con nông dân đạt tiêu chuẩn, ngăn ngừa các yếu tố mất mùa do chất lượng kém. Qua đánh giá bước đầu, lượng giống phục vụ sản xuất cho vụ mùa đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân, cơ bản đảm bảo chất lượng, tem nhãn, đúng cơ cấu của ngành.

Ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Thanh Hóa

Để đạt mục tiêu tổng giá trị sản xuất vụ mùa trên 9000 tỷ đồng, tăng 13,9 tỷ đồng so với cùng kỳ, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương bố trí 3 trà lúa: mùa sớm, chính vụ và mùa muộn. Trong đó mở rộng diện tích gieo cấy trà mùa sớm, sử dụng giống lúa chất lượng cao và đẩy mạnh liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm. Lựa chọn các giống có khả năng chống chịu và cho năng suất, chất lượng tốt để cơ cấu vào các trà lúa. Mỗi huyện chỉ nên cơ cấu 5 - 6 giống chủ lực, mỗi xã từ 1 - 3 giống nhằm thực hiện tốt các biện pháp quản lý thâm canh, điều tiết nước và quản lý sâu bệnh hại.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 24.5.2023