Tăng cường quản lý thị trường hàng hóa nông thôn, miền núi

20:36 - 05/12/2022

Vào dịp cuối năm, khi nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao, nhiều đối tượng lợi dụng đưa hàng kém chất lượng, mập mờ về nhãn mác về tiêu thụ ở khu vực nông thôn miền núi. Để ổn định thị trường dịp cuối năm, các lực lượng chức năng đã tăng cường bám sát địa bàn, tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý đối với những hành vi vi phạm.

Tại chợ phố Cống, thị trấn Ngọc Lặc, qua kiểm tra lực lượng Quản lý thị trường phát hiện nhiều loại bánh kẹo nhập khẩu không dán tem phụ bằng Tiếng Việt. Ngoài ra tại đây nhiều mặt hàng thực phẩm  đã hết hạn sử dụng vẫn được bày bán…

Tăng cường quản lý thị trường hàng hóa nông thôn, miền núi - Ảnh 2.

Các chủ cửa hàng, Ban quản lý chợ cho rằng vì quá bận rộn nên còn sơ suất để xảy ra các lỗi vi phạm này.

Tăng cường quản lý thị trường hàng hóa nông thôn, miền núi - Ảnh 3.

Chị Lương Thị Hằng - Cửa hàng tạp hóa Hằng Kiên, thi trấn Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Chị Lương Thị Hằng - Cửa hàng tạp hóa Hằng Kiên, thi trấn Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trong các thùng hàng có các tem phụ nhưng kinh doanh có mình tôi nên tôi có sơ suất là chưa dán vào các gói hàng. Qua kiểm tra nhắc nhở tôi sẽ dán đầy đủ."

Kết quả kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường khu vực Ngọc Lặc, Lang Chánh cho thấy, các lỗi vi phạm chủ yếu của các hộ kinh doanh tại đây chủ yếu là bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, mập mờ về nhãn mác, niêm yết hàng hóa không đầy đủ, vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường huyện Ngọc Lặc và Lang Chánh đã tổ chức kiểm tra 115 vụ, phát hiện và xử lý 98 vụ vi phạm về hàng giả, an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, xử phạt trên 312  triệu đồng.      

Tăng cường quản lý thị trường hàng hóa nông thôn, miền núi - Ảnh 4.

Đặc trưng của thị trường hàng hóa miền núi là kinh doanh nhỏ lẻ, phân tán. Trình độ dân trí hạn chế nên việc phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng của bà con gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc tuân thủ tuân thủ các điều kiện, quy định pháp luật của một bộ phận tiểu thương còn hạn chế. Lợi dụng điều này, các đối tượng kinh doanh trà trộn bày bán hàng hóa tiêu dùng giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng của các doanh nghiệp, hàng kém chất lượng để tiêu thụ. 

Tăng cường quản lý thị trường hàng hóa nông thôn, miền núi - Ảnh 5.

Do đó, để ổn định thị trường dịp cuối năm, các đội Quản lý thị trường địa bàn đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ngoài việc tập trung kiểm tra tại các khu vực trung tâm, các điểm chợ, trung tâm thương mại đầu mối, nơi phát sinh các luồng hàng hóa, các lực lượng chức năng còn tập trung bám các thôn, bản nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Tăng cường quản lý thị trường hàng hóa nông thôn, miền núi - Ảnh 6.

Bà Nguyễn Thị Hòa - Đội phó Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa

Bà Nguyễn Thị Hòa - Đội phó Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa cho biết: "Thực hiện kế hoạch 257, Đội xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm về các lỗi vi phạm, ký cam kết, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật."

Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, từ nay đến hết 15/2/2023, các lực lượng chức năng chủ động nắm bắt diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, ép giá, đưa hàng kém chất lượng về khu vực nông thôn, miển núi tiêu thụ.

Nguồn: Hộp thư truyền hình 05/12/2022