Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào Luật Địa chất và Khoáng sản. Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 08 ngày 6/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng quản lý, thực hiện nhiệm vụ và các giải pháp đảm bảo an toàn trong khai thác khoáng sản. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành liên quan nghiêm túc thực hiện việc tăng cường quản lý và nâng cao vai trò, trách nhiệm để đạt được hiệu quả cao trong quản lý khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Những năm trước, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Hà Trung diễn ra hết sức phức tạp với nhiều hình thức. Mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc nhưng tình trạng này chưa được giải quyết triệt để. Từ năm 2020 đến nay, trên cơ sở Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 08 ngày 6/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Huyện Hà Trung đã ban hành Chỉ thị số 12 ngày 5/1/2022 về: Tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện, theo Chỉ thị 12 đã phân công trách nhiệm của tập thể, cá nhân huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nên đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá - Ảnh 1.

Trên địa bàn huyện Hà Trung hiện có 46 mỏ đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản; trong đó, có 39 điểm mỏ đang hoạt động khai thác, 7 mỏ hết thời hạn khai thác đã dừng khai thác. Sau khi được tuyên truyền và giám sát của chính quyền các địa pương, các doanh nghiệp, đơn vị có dự án và được thuê đất khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Hà Trung đều đã thực hiện đúng các quy định về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, cam kết không vi phạm về tải trọng, mốc giới.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung

Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và theo đúng quy định của pháp luật, ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, cụ thể đến từng cấp uỷ, chính quyền địa phương, Thanh Hóa còn tập trung thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản. Trên tinh thần của Nghị quyết số 08 về thực hiện nhiệm vụ và các giải pháp đảm bảo an toàn trong khai thác khoáng sản là : "Xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm và lập lại trật tự trong khai thác", các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Thanh Hóa hiện có 298 mỏ, gồm: 130 mỏ đất (trữ lượng 116,3 triệu m3 ), 47 mỏ đá (trữ lượng 137,96 triệu m3 ), 117 mỏ cát, sỏi (trữ lượng 21,517 triệu m3), 4 mỏ cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp (trữ lượng 2,365 triệu m3). Vì vậy, công tác quản lý khai thác, kinh doanh, vận chuyển luôn được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện, gắn với bảo vệ môi trường. Từ đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực từ công tác chỉ đạo, quản lý đến việc khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường. Mặc khác, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Thành lập các đoàn liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện kiểm tra việc chấp hành về bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và việc chấp hành pháp luật về thuế trong hoạt động kinh doanh, khai thác, vận chuyển khoáng sản. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép. 

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá - Ảnh 4.

Trong 9 tháng năm 2022, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã xử lý 3.992 xe ô tô chở đất đá quá khổ, quá tải, nộp kho bạc Nhà nước hơn 31.713 tỷ đồng. Trong đó tập trung kiểm tra ở các địa phương có nhiều mỏ đất, đá trên toàn địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Văn Hoành, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, trong năm 2022 các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát hiện lập biên bản 25 trường hợp vi phạm, trong đó khởi tố 2 vụ liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Tổng số tiền phạt trên lĩnh vực khai thác khoáng sản hơn 2 tỷ đồng. Điều này cho thấy hiệu quả về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng trong thực hiện Nghị quyết về công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Xác định khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia, chính vì vậy, việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hoá thực hiện. Đặc biệt cấp uỷ, chính quyền các địa phương luôn quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường; phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức chính trị xã hội. Công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền được chú trọng, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những trường hợp vi phạm. Vì vậy, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản từng bước đi vào hoạt động có nền nếp, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá - Ảnh 7.

Để kiểm soát tốt việc khai thác khoáng sản trên địa bàn, tỉnh Thanh Hoá sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết chính sách, pháp luật về khoáng sản cho các doanh nghiệp; vận động Nhân dân tích cực đấu tranh, tố giác các hoạt động khai thác, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản trái phép. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và triển khai đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 08 ngày 6/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng quản lý, thực hiện nhiệm vụ và các giải pháp đảm bảo an toàn trong khai thác khoáng sản, Nghị quyết số 173 ngày 10/12/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về kế hoạch giám sát khai thác khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo địa giới hành chính; phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay khi mới xảy ra, góp phần đưa công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vào nề nếp, đảm bảo theo quy định của pháp luật.

 

Nguồn: Chuyên mục Đưa Nghị quyết vào cuộc sống ngày 27.10