Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

08:37 - 19/05/2023

Trong quá trình thực hiện sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị, nâng tầm các sản phẩm theo mục tiêu “Mỗi xã một sản phẩm”, các chủ thể đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đều đã chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, xem đây là giải pháp quan trọng để nâng sao và nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm.

Được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao vào đầu năm 2022, nước uống tinh khiết Haronawa của Công ty cổ phần Thanh Tân đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh. Nhằm nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, năm 2022, Công ty tiếp tục đầu tư gần 1 tỷ đồng để nâng công suất dây chuyền sản xuất nước đóng chai tinh khiết với công nghệ hiện đại. 

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP  - Ảnh 2.

Toàn bộ khâu chiết rót, lọc cặn thô và diệt khuẩn đều được thực hiện tự động đã góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, nguyên liệu đầu vào và điện năng tiêu thụ.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP  - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Tân, tỉnh Thanh Hoá

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Tân, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Để tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP và ngày 1 khẳng định trên thị trường, chúng tôi đã không dừng lại ở đó, ứng dụng máy móc khoa học kỹ thuật đã tiếp tục giúp chúng tôi nâng cao công suất và sản lượng và có thêm thu nhập".

Để nâng cao giá trị sản xuất, khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP trên thị trường, các chủ thể là các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến và kinh doanh nhằm mang đến người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng. 

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP  - Ảnh 4.

Một số sản phẩm như  nước mắm, mắm tôm OCOP truyền thống, các khâu từ ủ đến chế biến đều được làm tự nhiên, tuy nhiên các khâu đóng chai, chiết rót, dán nhãn và dán tem chứng nhận đều được thực hiện bằng máy móc. Các sản phẩm OCOP có thế mạnh khác như củ, quả công nghệ cao, chè búp sạch, đông trùng hạ thảo, gạo và nem nướng…đều được sử dụng công nghệ hút chân không, sản xuất trong nhà màng theo hướng hữu cơ giúp sản phẩm được bảo quản an toàn, dài ngày mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP  - Ảnh 5.

Ông Phan Xuân Hùng Tổ trưởng Tổ quản lý chương trình OCOP tỉnh ThanhHoá

Ông Phan Xuân Hùng, Tổ trưởng Tổ quản lý chương trình OCOP tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Thời gian qua các chủ thể đều đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, ngoài đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chúng tôi còn chú trọng tìm giải pháp hỗ trợ khoa học kỹ thuật, hiện đại hoá trong các khâu giúp các chủ thể có thêm kinh phí đầu tư máy móc, trang thiết bị".

Hiện Thanh Hoá đã có 120 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2023. Để phát huy vai trò của khoa học, công nghệ trong thực hiện chương trình OCOP của tỉnh, các cơ quan liên quan và tổ OCOP thuộc Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới Thanh Hoá đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh lồng ghép các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ vào phát triển sản phẩm OCOP. 

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP  - Ảnh 6.

Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương đẩy mạnh việc hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ISO, VietGAP và các công cụ quản lý LEAN, Kaizen, 5S vào sản xuất, giúp các doanh nghiệp, tổ chức, hộ sản xuất kinh doanh không ngừng nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, mở rộng thị trường, góp phần nâng tầm sản phẩm OCOP của tỉnh.  


Nguồn: THNM 19/05/2023