Tăng huy động vốn những tháng cuối năm
Thời gian qua, nhiều giải pháp tăng cung ứng vốn đã được hệ thống ngân hàng áp dụng để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao dịp cuối năm. Đáng chú ý, hiện lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đang có xu hướng tăng trở lại để thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư. Đây cũng là yếu tố tác động đến sự tăng trưởng của nguồn vốn huy động.
Từ giữa tháng 8 đến nay, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động. Một số ngân hàng đã tăng lãi suất hai lần trong thời gian này. Các ngân hàng cho biết, việc điều chỉnh lãi suất huy động tăng lên nhằm chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao dịp cuối năm. Một trong những yếu tố thúc đẩy lãi suất gửi tiết kiệm tăng lên là do tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ huy động vốn.

Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Thanh Hóa
Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Thanh Hóa cho biết: "Qua số liệu của Vietinbank Thanh Hóa, cơ cấu tăng trưởng trên 10% thì đến 70% đến từ nguồn tiền gửi dân cư có kỳ hạn, chứng tỏ dù có nhiều kênh người dân có thể đầu tư nhưng sự lựa chọn người dân vẫn ưu tiên tiền gửi ngân hàng vừa là có độ an toàn cao, ổn định trong quản trị tốt quản trị tài chính, xu hướng này sẽ không có nhiều thay đổi vẫn là kênh gửi chính cho việc gửi các hộ dân gia đình".
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa cho biết, đến hết tháng 8, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 179 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm. Trong đó tiền gửi tiết kiệm chiếm 70% tổng nguồn vốn huy động; tiền gửi tổ chức kinh tế chiếm trên 28%. Huy động vốn tăng đảm bảo khả năng cung ứng vốn cho khu vực sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Tài Thức, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa: "Công tác huy động vốn trên địa bàn đến tháng 8 trên 90 tỷ nguồn vốn huy động . nguồn vốn huy động từ dân cư so với đầu năm tăng trên 6 tỷ, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao và từ nguồn vốn đó, ngân hàng đã cho vay các đối tượng chưa có việc làm, tạo việc làm cho các hộ vay được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế".

Ông Tống Văn Ánh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa
Ông Tống Văn Ánh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa cho biết thêm: "Mức lãi suất huy động trong những tháng gần đây có xu hướng tăng nhưng không nhiều, nhưng với lãi suất cho vay tiếp tục ở mức thấp có gói chỉ 3-4%, phổ biến 5-6%, 7% là nhiều, không còn mức khá cao như trước, cho nên với lãi suất hiện tại hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đấy là động lực để doanh nghiệp người dân mở hướng mới trong kinh doanh".
Năm 2024, ngành ngân hàng Thanh Hóa đặt mục tiêu nguồn vốn huy động tăng trưởng 15%-16%. Như vậy, những tháng cuối năm vẫn còn nhiều dư địa để các tổ chức tín dụng tăng trưởng nguồn vốn huy động. Thực tế cho thấy, tín dụng vẫn là động lực chính dẫn dắt chính sách huy động vốn của các ngân hàng. Dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 5,2 đến 5,5% vào cuối năm nay.