Tăng tốc giải ngân vốn tín dụng cho khu vực sản xuất, kinh doanh

Theo thông lệ, thời điểm này, nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân tăng cao để sản xuất, kinh doanh, đưa hàng ra thị trường dịp Tết Nguyên Đán cũng như những tháng đầu năm mới. Năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tín dụng tăng trưởng chậm, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh.

Tiết giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp... Đây những giải pháp được các ngân hàng đẩy mạnh triển khai ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng.

Tăng tốc giải ngân vốn tín dụng cho khu vực sản xuất, kinh doanh- Ảnh 1.

Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra nhiều chương trình cho vay ưu đãi, với mức lãi suất giảm từ 1% - 3%/năm, tùy từng nhóm doanh nghiệp; đồng thời, triển khai các gói tín dụng quy mô lớn từ 10.000 tỷ đến 25.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn. Không chỉ các gói vay mới với lãi suất giảm sâu, nhiều ngân hàng còn áp dụng hạ lãi suất trực tiếp cho các khoản vay hiện hữu.

Tăng tốc giải ngân vốn tín dụng cho khu vực sản xuất, kinh doanh- Ảnh 2.

Ông Phạm Tùng Lâm, Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp, Vietinbank Chi nhánh Thanh Hóa

Ông Phạm Tùng Lâm, Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp, Vietinbank Chi nhánh Thanh Hóa cho biết: "Vietinbank Thanh Hóa đưa ra các giải pháp truyền thông cụ thể rõ ràng minh bạch các chương trình tín dụng, xử lý hồ sơ khách hàng nhanh chóng, linh hoạt, đảm bảo dúng quy định để khách hàng có thể tiếp cận tín dụng nhanh, thủ tục thuận lợi, đáp ứng đúng nhu cầu vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam".

Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ trên địa bàn ước đạt trên 190.000 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa, hệ thống ngân hàng đã bảo đảm dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đó là: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Nguồn: Bản tin 18h/TTV