Tập trung các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc

20:08 - 21/01/2024

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bắt đầu từ ngày 21/01, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ có đợt rét đậm, rét hại, đặc biệt có nơi vùng núi cao nhiệt độ có thể xuống dưới 0 độ C. Trước tình hình đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tập trung phối hợp với các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét, bảo vệ đàn gia súc trước diễn biến phức tạp của thời tiết.

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới, có trên 22 nghìn con trâu bò. Trước đây, các hộ đều có tập quán chăn nuôi thả rông trâu bò trên đồi, rừng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, được các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể nên nhiều hộ dân đã thay đổi thói quen này.

Tập trung các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc- Ảnh 1.

Trước dự báo thời tiết sẽ có rét đậm, rét hại trong những ngày tới, các hộ dân đã chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn gia súc. Ông Hà Văn Tèm, Bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Nghe tin báo thời tiết thay đổi thì chúng tôi đã mang bò nhốt vào chuồng, che chắn xung quanh cho ấm áp. Nếu lạnh quá thì sẽ sưởi ấm bằng cách đốt củi".

Tập trung các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Biện, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mường Lát

Ông Nguyễn Văn Biện, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mường Lát cho biết: "Trung tâm dịch vụ nông nghiệp đã cùng với các địa phương hướng dẫn, phối hợp và tuyên truyền, vận động bà con đưa trâu bò về nơi chuồng trại để che chắn và chuẩn bị đầy đủ các thức ăn dự trữ".

Để kịp thời ứng phó với rét đậm, rét hại kéo dài, hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra cho vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và người dân thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc. Theo đó, tuyệt đối không chủ quan và bị động; giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cấp xã và người đứng đầu thôn, bản phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội huy động nguồn nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương hướng dẫn các hộ gia đình áp dụng biện pháp, phòng chống đói rét cho vật nuôi. 

Tập trung các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc- Ảnh 3.

Thống kê nắm rõ tổng đàn gia súc, gia cầm, các trại chăn nuôi theo các quy mô khác nhau trên địa bàn. Đặc biệt lưu ý khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C không được thả rông trâu bò; đảm bảo giữ ấm, cung cấp đầy đủ thức ăn cho đàn gia súc.

Tập trung các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Ở một số  các địa phương trên địa bàn tỉnh thì công tác phòng chống đói rét đã được triển khai tương đối tốt so với mọi năm, từ khâu chuẩn bị đến khâu tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống đói rét. Những nơi mà bà con đang còn thói quen chăn thả nhiều thì cần phải tuyên truyền vận động tích cực để bà con xây dựng các cái lán trại tạm tại các cái điểm chăn thả để đưa gia súc gia cầm về nơi tập trung để chăm sóc nuôi dưỡng một cách hiệu quả".

Theo số liệu thồng kê, trên dịa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 450 nghìn con trâu bò. Trong đó, tại 7 huyện vùng núi cao có khoảng 170 nghìn con trâu bò, chiếm 37% tổng đàn trâu bò toàn tỉnh. Đàn trâu bò đã trở thành con nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế, mang lại lại thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân. Vì vậy, việc đảm bảo tốt công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi là nhiệm vụ cấp bách của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm giảm thiểu thiệt hại, duy trì ổn định đàn vật nuôi trên địa bàn.

Nguồn: Bản tin thời sự tối 21/1