Tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Hiện nay, việc tập trung triển khai các giải pháp, các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn là rất cần thiết để giúp doanh nghiệp vượt khó, phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.

Có thể nói chưa có khi nào doanh nghiệp lại phải đối diện với nhiều khó khăn như hiện nay. Suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho tất cả các hoạt động từ sản xuất, xuất khẩu, thu hút đầu tư, thị trường bất động sản, đầu tư công… đều bị ảnh hưởng hoặc đình trệ, sụt giảm. Tại Thanh Hoá, 4 tháng năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 17,8% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thông báo giải thể và chấm dứt hoạt động tăng trên 60%; doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng 16,2% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm lương và cắt giảm nhân công lao động.  

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh - Ảnh 2.

Trước thực tế này, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Thanh Hoá, các ngành, các địa phương, các tổ chức hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã liên tục tổ chức các hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đối thoại, lắng nghe và đưa ra các chỉ đạo giải quyết ngay những vướng mắc của doanh nghiệp, như: vấn đề về phòng cháy chữa cháy, bảm đảm vật liệu xây dựng để thi công các công trình dự án, bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn ngân hàng… Bên cạnh đó, bám sát chủ đề năm 2023 là "Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững", tỉnh Thanh Hoá tiếp tục vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của Trung ương. Ban hành các chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa năm 2023 như dành nguồn kinh phí hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và quản trị kinh doanh… Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Với nhiều giải pháp vào cuộc quyết liệt, trong các chỉ số thành phần PCI năm 2022, tỉnh Thanh Hoá được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, xếp thứ 2 cả nước về chỉ số thành phần về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.


Nguồn: Bản tin TS 18h30', ngày 10/5