Tàu thám hiểm sao Hỏa phát hiện điều kỳ diệu trên hành tinh đỏ

00:11 - 28/07/2022

Tàu thám hiểm sao Hỏa của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp về hẻm núi lớn nhất trong Hệ Mặt trời trên hành tinh đỏ.

Rãnh Tithonium trên sao Hỏa. Ảnh: ESA

Rãnh Tithonium trên sao Hỏa. Ảnh: ESA

Những bức ảnh mới nhất của tàu thám hiểm sao Hỏa Mars Express của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đưa chúng ta đến hai vết nứt trong lớp vỏ sao Hỏa tạo thành một phần của hệ thống hẻm núi Valles Marineris hùng vĩ.

Valles Marineris cắt ngang qua sao Hỏa tương tự như cách hẻm núi Grand Canyon cắt ngang qua Mỹ, ngoại trừ Grand Canyon rất nhỏ khi so sánh với Valles Marineris.

Theo tờ SciTechDaily, Valles Marineris hùng vĩ có chiều dài 4.000 km, rộng 200km và sâu tới 7km. Nó dài gấp gần 10 lần, rộng hơn 20 lần và sâu hơn 5 lần so với Grand Canyon. Là hệ thống hẻm núi lớn nhất trong Hệ Mặt trời, Valles Marineris kéo dài từ cực bắc của Na Uy đến cực nam của Sicily, Italia.

Có một sự khác biệt đáng kể khác giữa hai hẻm núi: trong khi Grand Canyon được tạo ra do đá bị mài mòn bởi sông Colorado, thì Valles Marineris được cho là hình thành do sự trôi dạt của các mảng kiến tạo.

Hình ảnh dưới đây cho thấy hai rãnh (hoặc chasma) tạo thành một phần của phía tây Valles Marineris. Ở bên trái (phía nam), là Ius Chasma dài 840km, và bên phải (phía bắc) là Tithonium Chasma dài 805km.

Tàu thám hiểm sao Hỏa phát hiện điều kỳ diệu trên hành tinh đỏ - Ảnh 1.

Hai rãnh (hoặc chasma) tạo thành một phần của phía tây Valles Marineris. Ảnh: ESA

Mặc dù những hình ảnh có độ phân giải cao này hiển thị chi tiết bề mặt đáng kinh ngạc, nhưng chỉ khi chúng ta nhìn vào bản đồ độ cao mới nhận ra độ sâu của nó đến mức nào - lên đến 7km! Với độ cao 4.809m, Mont Blanc - ngọn núi cao nhất của dãy Alps - sẽ bị lùn đi nếu nó được đặt bên trong Tithonium Chasma.

Trên đỉnh Tithonium Chasma, một mảng cát sẫm màu mang đến sự tương phản màu sắc cho hình ảnh. Cát này có thể đến từ vùng núi lửa Tharsis gần đó.

Tàu thám hiểm sao Hỏa phát hiện điều kỳ diệu trên hành tinh đỏ - Ảnh 2.

Rãnh Tithonium. Ảnh: ESA

Bên cạnh cồn cát sẫm màu là hai gò đất sáng màu. Những “gò đất” này giống như những ngọn núi, cao hơn 3.000m. Bề mặt của chúng đã bị xói mòn bởi gió mạnh của sao Hỏa, cho thấy chúng được làm từ một vật liệu yếu hơn so với đá xung quanh.

Giữa hai gò đất, ta thấy một loạt các ụ đất nhỏ hơn. Các cuộc thám hiểm của Mars Express đã tìm thấy các khoáng chất sunfat chứa nước ở khu vực này. Điều này cho thấy rằng những ụ đất có thể đã hình thành khi chất lỏng từng lấp đầy chasma bay hơi, mặc dù giả thuyết này vẫn còn đang được tranh luận sôi nổi.

Tàu thám hiểm sao Hỏa phát hiện điều kỳ diệu trên hành tinh đỏ - Ảnh 3.

Rãnh Ius and Tithonium. Ảnh: ESA

Ở phía dưới bên phải của gò đất chúng ta có thể thấy các đường song song và các đống mảnh vụn cho thấy một vụ lở đất gần đây.

Điều này cũng có thể nhìn thấy dưới dạng một vùng màu tím lớn trong hình ảnh địa hình bên dưới.

Tàu thám hiểm sao Hỏa phát hiện điều kỳ diệu trên hành tinh đỏ - Ảnh 4.

Ảnh: ESA

Vụ lở đất là do sự sụp đổ của bức tường hẻm núi bên phải và có khả năng xảy ra tương đối gần đây vì nó chưa bị xói mòn mạnh.

Ius Chasma cũng hấp dẫn không kém. Khi các mảng kiến tạo tách rời nhau, chúng dường như đã tạo ra những khối đá hình tam giác lởm chởm trông giống như một hàng răng cá mập. Theo thời gian, những tảng đá này đã bị sụp đổ và xói mòn.

Tàu thám hiểm Mars Express đã quay quanh hành tinh đỏ từ năm 2003, chụp ảnh bề mặt sao Hỏa, lập bản đồ các khoáng chất, xác định thành phần và tuần hoàn của bầu khí quyển, thăm dò bên dưới lớp vỏ và khám phá cách các hiện tượng khác nhau tương tác trong môi trường sao Hỏa.

Máy ảnh âm thanh nổi độ phân giải cao (HRSC) của Mars Express đã tiết lộ nhiều về các đặc điểm bề mặt đa dạng của hành tinh đỏ. Những bức ảnh gần đây cho thấy mọi thứ từ địa hình, các rặng và rãnh cho đến núi lửa, các đứt gãy kiến tạo và các bể dung nham cổ đại…

Song Minh/Báo Lao Động

Nguồn: truyenhinhthanhhoa.vn