Tàu vũ trụ Soyuz của Nga tiếp tục sứ mệnh đưa người lên trạm ISS

20:30 - 24/03/2024

Ngày 23/3, tàu vũ trụ Soyuz của Nga chở theo 3 phi hành gia của Nga, Belarus và Mỹ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan.

Trong hành trình lần này, trên tàu Soyuz có phi hành gia người Nga Oleg Novitsky, phi hành gia người Belarus Marina Vasilevskaya và phi hành gia người Mỹ Tracy Dyson.

NASA cho biết, hai phi hành gia Novitsky và Vasilevskaya dự tính ở lại 12 ngày trên ISS và trở về Trái đất vào ngày 2/4. Phi hành gia Dyson dự kiến ở lại ISS 6 tháng để thực hiện các thí nghiệm nhằm chuẩn bị các sứ mệnh của con người trong tương lai.

Được biết, trước đó rạng sáng 22/3 (theo giờ Việt Nam), tàu vũ trụ Soyuz mang mã hiệu MS-25 của Nga đã bị hủy phóng chỉ vài giây trước khi cất cánh theo lịch trình lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) cho biết đã có sự sụt giảm dòng điện của nguồn năng lượng hóa học khoảng 20 giây trước khi cất cánh.

Mặc dù chưa rõ chính xác sự cố này đã ảnh hưởng đến điều gì, nhưng lệnh "hủy phóng" đã xuất hiện trên luồng phát trực tiếp từ Roscosmos, và chuyến bay chính thức bị tạm hoãn.

Trong gần một thập kỷ, các vụ phóng tàu Soyuz của Nga là cách duy nhất để vận chuyển các phi hành gia qua lại giữa Trái đất và ISS, sau khi NASA tạm dừng chương trình Tàu con thoi.

Bất chấp căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Nga, NASA đã nhiều lần cho biết mối quan hệ hợp tác với Roscosmos là rất quan trọng để tiếp tục hoạt động của Trạm ISS và nghiên cứu khoa học có giá trị được thực hiện trên tàu vũ trụ.

Trạm vũ trụ quốc tế - ISS, từng là biểu tượng của hợp tác quốc tế thời hậu Chiến tranh Lạnh, hiện là một trong những lĩnh vực hợp tác cuối cùng còn sót lại giữa Nga và phương Tây -trong bối cảnh căng thẳng về hành động quân sự của Moscow ở Ukraine. NASA và các đối tác hy vọng sẽ tiếp tục vận hành tiền đồn này quay quanh quỹ đạo cho đến năm 2030.

Nguồn: Bản tin TSQT tối 24/3