Tây Ninh: "Mất toi" 10 triệu đồng vì đùa giỡn tung tin mình bị nhiễm corona

15:06 - 21/02/2020

Thấy trong người mệt mỏi, Q. ra tiệm thuốc tây mua thuốc cảm uống rồi tự đăng trên Facebook cá nhân: "Bị nhiễm virus corona rồi…".

Ngày 21/2, Công an huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với L.T.Q. (sinh năm 1991, ngụ phường 2, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật về dịch bệnh corona (Covid-19) trên mạng xã hội.

Mức xử phạt này được quy định tại điểm a, khoản 3, điều 64, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

 

Mất toi 10 triệu đồng vì đùa giỡn tung tin mình bị nhiễm corona - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Q. làm việc với Công an huyện Gò Dầu

Theo Công an huyện Gò Dầu và Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an Tây Ninh, Q. sử dụng Facebook của mình viết status vào lúc 9h ngày 18/2: “Bị nhiễm virus corona rồi kiểu này chắc sớm gặp ông bà quá”.

Sau khi Q. đăng thông tin đã có 44 bình luận. Sau đó Q. bị mọi người phản ứng và cảnh báo sẽ bị công an xử phạt nên vào sáng hôm sau (khoảng 7h30 ngày 19/2), Q. đã gỡ bỏ bài viết trên.

Công an huyện Gò Dầu cùng Phòng An ninh chính trị Công an Tây Ninh đã mời Q. lên làm việc để xác minh thông tin.

Q. khai nhận, ở Sóc Trăng, Q. làm nghề đi mua bán bạt kiếm sống. Q. từ Sóc Trăng đến nhà bạn (ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dâu, tỉnh Tây Ninh) chơi. Sau đó, Q. thấy không khoẻ trong người nên nhờ bạn chở đến tiệm thuốc tây gần bệnh viện đa khoa mua thuốc cảm, sốt thông thường uống chứ không bị nhiễm Covid-19 như Q. thông tin.

Q. thừa nhận việc đăng tải bài viết trên của mình là đùa giỡn với bạn bè chứ không có mục đích khác và đã nhận thức việc đăng tải thông tin nói trên là sai nên đã gỡ bỏ và đăng cải chính trên trang cá nhân.

Đây là trường hợp thứ 11 Công an Tây Ninh đã xử phạt, giáo dục, răn đe và cho làm bản cam kết không tái phạm khi đưa thông tin không có thật về dịch bệnh corona.

Sơn Nhung/ Dân trí