Thách thức với ngành dệt may Thanh Hóa những tháng cuối năm 2022

18:38 - 08/08/2022

(TTV) - 7 tháng năm 2022, tình hình sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tương đối thuận lợi. Hầu hết các đơn vị đều có giá trị xuất khẩu tăng từ 15% đến 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2022, việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức khi nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu đang sụt giảm mạnh do lạm phát tăng cao.

Theo đại diện Hiệp hội dệt may Thanh Hóa, tình trạng thiếu đơn hàng đã bắt đầu xuất hiện từ khoảng đầu tháng 7/2022. Hiện có khoảng 2/3 các doanh nghiệp hội viên bị thiếu đơn hàng và phải tìm các biện pháp để duy trì sản xuất, ổn định việc làm và giữ chân người lao động. Nguyên nhân, đơn hàng dệt may giảm chủ yếu là do thị trường các nước nhập khẩu, nhất là Mỹ, EU tiêu thụ chậm; tỷ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng và áp lực lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn. Điều này dẫn đến việc khách hàng có thể điều chỉnh giảm hoặc hủy đơn đột ngột. Ngoài ra, nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu bị gián đoạn, chi phí đầu vào tăng cao cũng gây không ít khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may.

Để ổn định sản xuất, duy trì tăng trưởng xuất khẩu hai con số, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm; tìm đối tác mới ngay chính trong thị trường truyền thống, với những mặt hàng đặc trưng, có giá trị xuất khẩu cao. Đồng thời, bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng. Cùng với đó, tăng cường giải pháp xây dựng, đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường; chủ động kết nối và chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích./.

       

Nguồn: Theo Bản tin 18h30 ngày 8/8/2022