Thành công từ những mô hình giảm nghèo ở Bá Thước

16:51 - 21/12/2022

Trước đây, công tác giảm nghèo ở các địa phương miền núi nói chung, huyện Bá Thước nói riêng được coi như một cuộc cách mạng tư tưởng, bởi nhiều hộ dân không muốn thoát nghèo. Nhưng nay, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo đã dần thay đổi. Hiện, trên địa bàn huyện, phong trào giảm nghèo đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ với nhiều mô hình sản xuất đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, gia đình chị Trần Thị Hạnh, ở thôn Tôm, xã Ái Thượng thuộc diện hộ nghèo của xã. Gia đình chỉ có hơn 1 sào đất vườn, không có vốn… nên vợ chồng chị Hạnh đi làm thuê cho các gia đình khác trong thôn, trong xã. Năm 2018, gia đình chị Hạnh được Hội nông dân xã chọn để xây dựng mô hình điểm về chăn nuôi bò sinh sản. Được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, được vay vốn, chị Hạnh đã mua 1 cặp bò về chăm sóc. 

Mô hình kinh tế của gia đình chị Trần Thị Hạnh (áo tím)

Cho đến nay, gia đình chị luôn duy trì đàn bò từ 5-7 con, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, mỗi năm gia đình chị Hạnh cũng có nguồn thu nhập ổn định từ 50-70 triệu đồng. Đầu năm 2022, gia đình chị Hạnh chính thức được công nhận thoát nghèo.

Mô hình trồng rau an toàn của ông Lê Trí Dũng, thôn Điền Lý, xã Điền Lư cũng rất hiệu quả. Những năm trước đây, gia đình ông Dũng chủ yếu trồng 2 vụ lúa và 1 vụ màu nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2015, thực hiện chủ trương của xã, huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Dũng đã mạnh dạn đề nghị với xã về việc xây dựng mô hình trồng rau an toàn với 200m2 đất sản xuất của gia đình. Để thực hiện mô hình, ông Dũng đã nhập các giống cây như mướp, rau, lạc, mùng tơi, cà pháo về trồng. Chỉ sau 1 năm, diện tích trồng rau an toàn của gia đình ông đã cho thu nhập cao, được nhiều người trong xã, trong huyện tham quan, học tập.

Thành công từ những mô hình giảm nghèo ở Bá Thước - Ảnh 3.

Mô hình trồng rau an toàn của ông Lê Trí Dũng, thôn Điền Lý, xã Điền Lư

Nhằm mở rộng quy mô sản xuất, ông Lê Trí Dũng tiếp tục đầu tư xây dựng khu nhà lưới, đồng thời mời cán bộ từ Trung tâm khuyến nông huyện Bá Thước về hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn. Năm 2018, ông đã kiến nghị với UBND xã Điền Lư để thành lập Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Điền Lý. Cho đến nay, hợp tác xã đã có hơn 20 thành viên, cùng hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã tham gia hợp tác. Qua hơn 5 năm hoạt động, hợp tác xã rau an toàn Điền Lý đã góp phần tăng thu nhập của bà con nông dân từ 20-70 triệu đồng mỗi năm, đã có hàng chục hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Lê Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Điền Lư, huyện Bá Thước, Thanh Hóa

Nhằm tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, huyện Bá Thước đã tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất đến người dân. Từ năm 2015 đến nay đã có hàng nghìn hộ gia đình là người dân tộc thiểu số trên địa bàn được hỗ trợ vay vốn để mua cây giống, phân bón, xây dựng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân. 

Thành công từ những mô hình giảm nghèo ở Bá Thước - Ảnh 5.

Từ kết quả đầu tư thực địa và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các hộ gia đình nghèo, là người dân tộc thiểu số đã xây dựng thành công hàng chục mô hình giảm nghèo, như: mô hình nuôi bò sinh sản tại các xã Điền Quang, Ái Thượng; mô hình trồng rau an toàn tại các xã Điền Lư, Thành Lâm, Lũng Cao; mô hình trồng rừng, kết hợp chăn nuôi tại các xã: Thành Sơn, Cổ Lũng, Thiết Ống. Các mô hình này đã và đang được nhân rộng trong cộng đồng, theo hướng nông dân tự đầu tư, Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Thành công từ những mô hình giảm nghèo ở Bá Thước - Ảnh 6.

Xác định phát triển du lịch cộng đồng là đòn bẩy không chỉ giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, huyện đã kêu gọi một số công ty đầu tư vào các loại hình dịch vụ du lịch tại bản Hiêu, bản Đôn, bản Kho Mường... Bên cạnh đó, huyện còn tăng cường công tác quảng bá du lịch cộng đồng, khôi phục các loại hình văn hóa truyền thống, các sản phẩm đặc trưng, quản lý, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, các di tích đã được xếp hạng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng điểm thu gom và xử lý rác thải, nước thải tại các điểm du lịch cộng đồng.

Thành công từ những mô hình giảm nghèo ở Bá Thước - Ảnh 7.

Nhờ những động thái tích cực từ chính quyền và người dân địa phương, hiện Bá Thước đã có trên 60 cơ sở lưu trú cộng đồng theo hình thức homestay; ngoài ra, còn có hơn 100 hộ được hưởng lợi gián tiếp từ việc tham gia chăn nuôi, trồng rau sạch, dệt thổ cẩm và các dịch vụ khác... cung cấp cho các nhà hàng, phục vụ khách du lịch.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, mức thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn đã tăng từ 14,2 triệu đồng/người/năm, lên mức 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,86%. Huyện cũng phấn đấu, đến năm 2025, sẽ ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo của cả nước.

Ông Lò Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước, Thanh Hóa

Từng là vùng đất khó với tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh, đến nay, huyện Bá Thước đã vươn lên trở thành điểm sáng đầy tiềm năng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Trong giai đoạn tiếp theo, cùng với việc khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, Bá Thước đang tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác giảm nghèo, đây là chìa khóa để đưa các chủ trương, chính sách vào thực tiễn và qua việc nêu gương của cán bộ, đảng viên bằng những việc làm, hành động cụ thể sẽ là cầu nối, củng cố niềm tin, trách nhiệm của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền trong công tác giảm nghèo.

Nguồn: Chuyên mục Câu chuyện vùng cao, PS tháng 12/2022