Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở

Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đồng bộ, người dân tiếp cận công nghệ còn hạn chế, đây là những điểm nghẽn trong chuyển đổi số tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Xác định chuyển đổi số chỉ thực sự có hiệu quả khi được thực hiện thành công ở các thôn bản, xã phường, do vậy, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở.

Thôn 6, xã Thọ Vực được huyện Triệu Sơn lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình thôn thông minh. Đến nay, thôn 6 đã có tới 99% hộ gia đình sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng thông minh trên điện thoại. 

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở- Ảnh 1.

Từ cuối năm 2022, thôn đã lắp đặt hệ thống mạng Wifi kết nối Internet tại nhà văn hóa thôn. Hệ thống này giúp cho thôn tổ chức tốt các hoạt động thông báo, thông tin, hội họp, sinh hoạt cộng đồng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về mọi mặt đời sống.

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở- Ảnh 2.

Ông Lê Công Văn, Bí thư Chi bộ thôn 6, xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Công Văn, Bí thư Chi bộ thôn 6, xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay, chúng tôi không thông báo trên hệ thống loa nữa mà nhắn tin trên zalo là bà con nhân dân sẽ đến nhà văn hóa thôn theo đúng thời gian đã được thông báo".

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã đẩy mạnh vai trò hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại mỗi khu phố, thôn, bản. Hiện nay, 4.233 Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy khá tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân sử dụng các ứng dụng, công nghệ thiết thực phục vụ đời sống như: dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ điện, nước, internet, ứng dụng chăm sóc sức khỏe … 

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở- Ảnh 3.

Tổ công nghệ số cộng đồng còn hỗ trợ người dân tương tác với chính quyền qua các nền tảng số như: Họp trực tuyến, định danh và xác thực điện tử…đồng thời, hướng dẫn người dân các kỹ năng an toàn thông tin.

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở- Ảnh 4.

Muốn chuyển đổi số hiệu quả từ cơ sở, trước hết hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin ở cơ sở phải được đầu tư, đáp ứng yêu cầu. UBND tỉnh Thanh Hóa và các địa phương đã xây dựng kế hoạch, đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số từ cấp xã, phường. Hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị được quan tâm đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn, chuyển đổi số. 100% cán bộ, công chức tại các xã, phường, thị trấn được trang bị thiết bị công nghệ thông tin; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có hạ tầng mạng nội bộ, kết nối Internet đảm bảo thông suốt, an toàn giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, thuận lợi. Hệ thống Một cửa điện tử hoạt động hiệu quả, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn đạt 98%. Hệ thống phòng họp trực tuyến, hệ thống hội nghị truyền hình, hoạt động ổn định; trong năm, đã vận hành gần 700 phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã; hơn 410 cuộc họp trực tuyến giữa cấp huyện với cấp xã nhằm đảm bảo phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành nhanh chóng từ tỉnh, huyện đến xã và đến tận các thôn.

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở- Ảnh 5.

Bên cạnh xây dựng chính quyền số, chính quyền cơ sở cũng đang tập trung thực hiện tiêu chí xã hội số với các lĩnh vực trọng yếu gồm: Y tế, Giáo dục và An ninh trật tự. Trong đó, các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã triển khai phần mềm khám chữa bệnh VNPT HIS song song với các phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân, phần mềm quản lý y tế cơ sở, từng bước số hóa dữ liệu cư dân. 

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở- Ảnh 6.

Thông qua các phần mềm này, các dữ liệu cá nhân, thông tin tiêm chủng, tiền sử bệnh tật của người dân được liên thông với cấp trên, tạo thuận lợi hơn cho công tác khám chữa bệnh. Các xã phường, thị trấn cũng đã triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tại các tuyến giao thông trục chính, kịp thời phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật và tai nạn giao thông trên địa bàn.

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở- Ảnh 7.

Ông Nguyễn Hữu Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Hữu Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thời gian tới, địa phương sẽ thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền hơn nữa đến người dân, để mỗi người dân hiểu được lợi ích của chuyển đổi số, tăng tương tác giữa chính quyền và người dân".

Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền cơ sở, người dân cũng đã từng bước sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy hiệu quả những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đây là nền tảng để Thanh Hóa đạt được mục tiêu có 6 huyện, thị xã, thành phố trở lên và 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành chuyển đổi số theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2022-2025.

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở- Ảnh 8.

Nguồn: Chuyển đổi số 30/12/2023