Thanh Hóa đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

09:33 - 09/01/2023

Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân và các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Trung bình mỗi ngày, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ ở UBND thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa tiếp nhận gần 100 hồ sơ thực hiện các thủ tục hành chính của người dân. Mặc dù số lượng hồ sơ, thủ tục giao dịch nhiều nhưng việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, áp dụng các phần mềm chuyên ngành của từng lĩnh vực, đã tạo điều kiện cho các cán bộ ở đây dễ dàng tra cứu, thẩm định hồ sơ của người dân một cách nhanh chóng. Vì vậy nhiều thủ tục hành chính của người dân đã được giải quyết ngay.

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND Thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, phân công, xử lý các công việc; giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; khai thác các hệ thống thông tin dùng chung cũng đã tạo thuận lợi cho UBND huyện Hoằng Hóa thực hiện có hiệu quả trong hoạt động hành chính, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, giải quyết và xử lý công việc, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. 

Thanh Hóa đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 3.

Để xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, cấp ủy, chính quyền thành phố Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các phường, xã bố trí nơi làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu cho người dân đến giao dịch. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho đội ngũ công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa kỹ năng sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã đạt được nhiều hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, từng bước hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, chuyên nghiệp hóa nền hành chính.

Thông qua việc xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Thanh Hóa đã tích hợp 26 hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; xử lý văn bản hồ sơ trên môi trường mạng; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến; kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cấp chính quyền.  Hệ thống văn bản được kết nối liên thông giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cả 3 cấp trên địa bàn tỉnh và kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia.

Thanh Hóa đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 5.

Hiện nay, 100% cán bộ, công chức ở Thanh Hóa thực hiện tiếp nhận, xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tỷ lệ ký số cá nhân đạt 98,7%; tỷ lệ ký số cơ quan đạt 99%, giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị được công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước. Đặc biệt, hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoạt động ổn định, hiệu quả, công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Huyện Đông Sơn đã thực hiện việc xử lý văn bản, thực hiện công tác báo cáo với chính quyền cấp trên và các sở ban ngành thông qua phần mềm điện tử; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng được ứng dụng các phần mềm, giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn, tiết kiệm được chi phí, tạo sự minh bạch".

Mặc dù, quá trình triển khai chính quyền điện tử trên địa bàn Thanh Hóa vẫn gặp không ít khó khăn do địa bàn rộng, người dân khu vực nông thôn, miền núi chiếm tỷ lệ cao. Nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh Thanh Hóa đang đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, từng bước xây dựng chính quyền số trên nền tảng ứng dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn; triển khai các dịch vụ đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ cho người dân được tốt hơn.

 

Nguồn: Chuyên mục chuyển đổi số ngày 7.1.2023