Thanh Hóa - Điện Biên, từ mạch nguồn lịch sử

20:19 - 17/01/2024

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 nói riêng, Thanh Hóa là tỉnh có đóng góp lớn về sức người, sức của, như sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó, tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó". Sự gắn bó đặc biệt từ mạch nguồn lịch sử, suốt bao năm qua đã và đang được hai tỉnh Thanh Hóa - Điện Biên trân trọng, giữ gìn và vun đắp.

Bước sang tuổi 91, thời gian đã khiến cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Vơn, ở thôn Xa Thư, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa quên đi nhiều điều, nhưng ký ức về những ngày ăn núi ngủ rừng, cùng đồng đội kéo pháo lên Điện Biên... thì vẫn còn nguyên vẹn. Chưa đầy 20 tuổi, ông và bao bạn bè cùng trang lứa ở quê nhà đã hăng hái lên đường tham gia chiến dịch. Với ông, Điện Biên luôn là một phần thiêng liêng, máu thịt. 

Thanh Hóa - Điện Biên, từ mạch nguồn lịch sử- Ảnh 1.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Vơn Thôn Xa Thư, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Điện Biên xung quanh là các dãy núi cao, quân địch đóng quân dưới thấp, nên những khi đi xuống khe suối là bị chúng tôi bắn, sau quân địch không bao giờ dám đến đó lấy nước nữa".

Chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã huy động hơn 178 ngàn dân công hỏa tuyến, chiếm 30% người trong độ tuổi lao động lúc bấy giờ, hơn 3.500 xe đạp thồ, hơn 1100 thuyền và rất nhiều phương tiện khác phục vụ chiến dịch. Hàng nghìn người con Thanh Hóa đã anh dũng chiến đấu trong các đơn vị bộ đội chủ lực, nhiều người đã ngã xuống cho Tổ quốc "đơm hoa độc lập, kết quả tự do". Hiện nay, tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Điện Biên có hơn 800 phần mộ liệt sĩ là con em quê Thanh Hóa. Các anh hùng liệt sĩ đã hóa thân vào hồn thiêng sông núi, trở thành một phần máu thịt của núi rừng Tây Bắc. Trong những năm qua, hai tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, kết nối, giao lưu văn hóa, xúc tiến phát triển du lịch, thương mại dịch vụ. Nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã có những hoạt động thiết thực tăng cường mối đoàn kết, gắn bó với các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Nằm giữa trung tâm thành phố Thanh Hóa, Điện Biên là phường lớn, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Nơi đây có những con đường, tuyến phố, những công trình, trường học... vinh dự mang tên Điện Biên, mang tên những người anh hùng gắn chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thanh Hóa - Điện Biên, từ mạch nguồn lịch sử- Ảnh 2.

Ông Lưu Ngọc Thành Bí thư Chi bộ phố Đông Lân, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Tôi rất xúc động khi nghe lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc về vấn đề quyên góp để xây nhà tình nghĩa. Và phố chúng tôi là một trong những phố quyên góp vượt mức dự trù".

Thanh Hóa - Điện Biên, từ mạch nguồn lịch sử- Ảnh 3.

Bà Lê Thị Quỳnh Thơ Chủ tịch UBND phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Bà Lê Thị Quỳnh Thơ Chủ tịch UBND phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Điện Biên rất vinh dự là phường duy nhất của tỉnh mang tên chiến dịch của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, Điện Biên đang tiếp tục phấn đấu hơn nữa để đạt được mục tiêu xây dựng phường anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới".

Cùng với tinh thần Điện Biên, địa danh Điện Biên, những năm gần đây, hoa ban - loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc cũng được du nhập, trồng nhiều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Năm 2022, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã trao tặng cho thành phố Thanh Hóa 600 cây hoa ban, trồng tại Công viên Bố Vệ. Trên các tuyến đường lớn của thành phố, hàng nghìn cây hoa ban cũng đã vươn cao, khoe sắc mỗi độ xuân về. Mỗi một tên đất, tên người, mỗi dấu ấn, nét đẹp của Điện Biên trên quê hương Thanh Hóa đều khiến mỗi người con quê Thanh càng thêm yêu, thêm trân trọng, tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 17/01/2024