Thanh Hóa: hơn 60% người điều khiển phương tiện thủy nội địa chưa có chứng chỉ chuyên môn

Luật Giao thông đường thủy nội địa qui định: người điều khiển phương tiện phải có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp với loại phương tiện điều khiển. Tuy nhiên, hiện nay tại Thanh Hóa có khoảng hơn 60% người điều khiển đò ngang, tàu thuyền vẫn chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp.

Hơn 30 năm điều khiển phương tiện thủy nội địa trên các tuyến sông Mã, sông Lèn, đến nay ông Nguyễn Văn Ninh ở xã Hà Sơn, huyện Hà Trung vẫn chưa có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn người lái phương tiện thủy nội địa theo quy định.

Tương tự, anh Trần Văn Mạnh ở phường Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa, điều khiển phương tiện thủy nội địa có công suất 120 CV đã nhiều năm, song đến nay cũng chưa có bằng, chứng chỉ người lái phương tiện thủy nội địa. Anh Trần Văn Mạnh, phường Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay ở đây có 10 thuyền thì có 1 - 2 thuyền có chứng chỉ, còn lại không có chứng chỉ".

Thanh Hóa: hơn 60% người điều khiển phương tiện thủy nội địa chưa có chứng chỉ chuyên môn- Ảnh 1.

Hiện nay Thanh Hóa đang có 24 tuyến sông được công bố đưa vào khai thác vận tải thủy nội địa, với chiều dài gần 700 km. Trên các tuyến sông này đang có hơn 1.600 phương tiện thủy nội địa hoạt động, nhưng mới có khoảng 500 người điều khiển có bằng, chứng chỉ chứng nhận thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, đủ khả năng làm việc, xử lý các vấn đề an toàn trên phương tiện thủy nội địa theo quy định. Còn lại hơn 1000 người chưa có bằng, chứng chỉ nhưng vẫn tham gia điều khiển phương tiện.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do trên địa bàn tỉnh hiện chưa có cơ sở đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn người điều khiển phương tiện thủy nội địa. Do đó, để có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, những người có nhu cầu phải ra các tỉnh Nam Định, Ninh Bình để đăng ký học. Anh Trần Văn Mạnh, phường Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Vì điều kiện khó khăn, phải đi đi lại lại, mất ăn mất làm, phải đi lại 3 - 4 lần mà chưa chắc đã đậu. Lần đầu ra lấy số báo danh, lần thứ 2 ra thực tập, thi thử, lần thứ 3 thi thật nếu đậu thì tốt, nếu không đậu phải đi lần thứ 4". Ông Nguyễn Văn Ninh, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung mong muốn: "Học ở Ninh Bình hơi xa, kinh tế thì khó khăn, nên mong Nhà nước mở lớp học tại địa phương cho chúng tôi có chứng chỉ theo đúng quy định của Nhà nước".

Bên cạnh đó, đa phần những người điều khiển phương tiện thủy nội địa có trình độ văn hóa thấp, nên việc học và thi để được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cũng gặp không ít khó khăn.

Thanh Hóa: hơn 60% người điều khiển phương tiện thủy nội địa chưa có chứng chỉ chuyên môn- Ảnh 2.

Trước thực trạng trên, mới đây Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu Cục đường thủy Việt Nam xem xét, có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho những người dân có trình độ văn hóa thấp được tham gia các khóa học đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay thì những khó khăn, vướng mắc nêu trên vẫn chưa được tháo gỡ.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 23/4/2024