Thanh Hóa khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp

Phát triển tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn đang được xem là hướng đi tích cực nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn. Chính vì thế, những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển các ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Từ đó đã góp phần bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Dệt cói, đan lát, làm nón, nghề mộc… là những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống ở nhiều địa phương trên địa bàn Thanh Hóa. Bên cạnh đó, những năm qua các địa phương cũng du nhập, nhân cấy thêm nhiều nghề mới; xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề. Nhờ đó, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở Thanh Hoá ngày càng phát triển, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Thanh Hóa khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp - Ảnh 1.

Anh Mai Văn Dũng, thôn 7, xã Nga An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Tôi làm nghề cói được 5 năm, công ăn việc làm ổn định… Tôi còn nhận thêm đan lát cho người trong gia đình làm để tăng thêm thu nhập". Chị Trần Thị Thuận, thôn Cao Nhuận, xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Làm nghề đan này công việc ổn định, thu nhập cao, tạo công ăn việc làm lúc nhàn rỗi; hơn nữa còn tận dụng thời gian chăm con, làm nông được nữa".

Thanh Hóa khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp - Ảnh 2.

Hiện nay, Thanh Hóa có 36 nghề tiểu thủ công nghiệp, tập trung chủ yếu ở các huyện: Nga Sơn, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống, Cẩm Thủy… Để duy trì và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các ngành chức năng đã và đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm; khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân lao động. Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2022- 2026 với mức từ 0,5- 1,5 tỷ đồng tùy theo khu vực để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Từ đó, đã khuyến khích các địa phương mở rộng quy mô phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Hóa khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp - Ảnh 3.

Ông Phạm Thế Khoa, Phó phòng kinh tế hạ tầng huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên huyện đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng/ năm, tạo công ăn việc làm cho 9 nghìn lao động… Huyện tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, tăng cường giải pháp xúc tiến đầu tư; tìm các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho các làng nghề, nhân rộng các mô hình phát triển".

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp toàn tỉnh đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động khu vực nông thôn. Toàn tỉnh đã có gần 30 sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Đây cũng chính là điều kiện để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị kinh tế cho nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Nguồn: TS Tối 29/11/2022